Pháo M109 155mm nổ tung khi bị đạn pháo Nga đánh trúng.
Ngày 19/4, lực lượng Nga tại Ukraine đã cho đăng tải video dùng đạn dẫn đường chính xác 2K25 Krasnopol tấn công và phá hủy khẩu lựu pháo M109 155mm Mỹ chuyển giao cho Quân đội Ukraine.
Vụ tấn công diễn ra gần khu định cư Petropavlivka ở vùng Kharkiv.
Trong đòn tấn công này, pháo binh Nga đã sử dụng kết hợp với máy bay không người lái (UAV) Orlan-10 để săn tìm và chỉ thị mục tiêu cho đạn Krasnopol tấn công chính xác hơn.
"Mặc dù M109 đã được che chắn khá kỹ trong lùm cây nhưng chừng đó là chưa đủ để che mắt lực lượng tấn công của chúng tôi. Đòn đánh chính xác đã xé toạc khẩu pháo do Mỹ sản xuất và khiến kíp chiến đấu thiệt mạng", lực lượng Nga cho biết trong thông báo hôm 19/4.
Theo trang Military Today, kể từ khi xung đột Nga Ukraine nổ ra, lực lượng pháo binh Nga đã rất tích cực sử dụng đạn Krasnopol pháo kích yểm trợ các cuộc tiến công của bộ binh và tăng thiết giáp.
Do lực lượng vũ trang Ukraine thường triển khai phòng ngự trong khu dân cư của, có tầm nhìn tốt và hỏa lực mạnh, do đó việc Nga sử dụng đạn dẫn đường Krasnopol cho phép đánh chính xác mục tiêu bằng 1 phát bắn.
Krasnopol về cơ bản như các loại đạn pháo thông thường khác nên có thể sử dụng chung các hệ thống bắn. Chỉ có điều Krasnopol khi được bắn đi có thể tự hiệu chỉnh đường đạn thông qua các cánh được lắp ở đuôi.
Nhờ việc dẫn đường bán chủ động bằng laser được thực hiện bằng lực lượng trinh sát mặt đất hay các phương tiện quân sự khác như UAV… Krasnopol khi sắp tiếp cận mục tiêu sẽ khởi động đầu dò laser bán chủ động tự dẫn, từ đó bắn thẳng tới vị trí mục tiêu đối phương bị tia laser chiếu vào.
Đạn pháo Krasnopol 152mm, phần thuốc nổ nặng 6,4kg, đạn có tỷ lệ bắn trúng đạt gần 90%. Về sau, giới quân sự Nga đã cho ra mắt phiên bản cải tiến hơn là Krasnopol-M có trọng lượng nhẹ và hiệu quả tác chiến cao hơn.
"Ưu điểm của loại đạn chính xác này là sẽ không cần số lượng lớn từ 5 đến 10 quả đạn pháo thông thường để tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà chỉ cần 1 quả Krasnopol duy nhất.
Những vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine bao gồm tổ hợp tên lửa HIMARS, pháo PzH 2000 hay M777 đều có khả năng bị Krasnopol tiêu diệt, đây là loại vũ khí cao cấp, có độ chính xác cao và rất hữu ích cho Lực lượng vũ trang Nga", một sĩ quan Nga nói về hiệu quả của Krasnopol.
Rào cản lớn nhất khiến đạn pháo thông minh không được sử dụng với số lượng lớn là chi phí quá cao, khi mỗi quả đạn Krasnopol được bắn đi, lực lượng Nga đã tiêu mất số tiền khoảng 50.000USD.
Pháo M109 bị đạn Krasnopol đánh trúng.
Một giải pháp giá rẻ là trang bị cảm biến GPS và cánh điều khiển thu nhỏ lên các quả đạn thông thường, tương tự bom JDAM của Mỹ. Nga đã phát triển thiết bị tương tự cho đạn pháo 152mm và dự kiến thử nghiệm trong thời gian sắp tới.
Hồi năm 2013, Lầu Năm Góc cũng bắt đầu triển khai Bộ dẫn đường chính xác M1156, biến đạn pháo 155mm thông thường thành vũ khí thông minh với giá chưa tới 10.000 USD/quả.
Tuy nhiên, loại đạn gắn thiết bị này của Nga có độ chính xác chỉ bằng một nửa dòng Krasnopol hiện đang được sử dụng phổ biến tại chiến trường Ukraine.