Thi 2 khối 2 trường khác nhau, đăng ký dự thi thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015, TS đăng ký thi vào trường nào sẽ thi tại địa điểm trường đó tổ chức. Vì vậy, 1 TS có thể thi ở 2 tỉnh khác nhau trong 1 đợt. 

Kiến Thức đăng tải những thắc mắc của nhiều độc giả về những điểm chưa rõ trong kỳ thi THPT quốc gia và ý kiến trả lời của phía Bộ GD-ĐT cùng các chuyên gia.
- Em ở Nghệ An, có nguyện vọng thi cả khối A và khối B. Tuy nhiên, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2015, thí sinh đăng ký thi tuyển vào trường nào thì sẽ thi tại địa điểm trường đó tổ chức nên em nghĩ em sẽ gặp khó khăn trong việc chọn địa điểm thi. Nếu em thi trường khối B không đỗ, liệu có được lấy kết quả đó để xét tuyển vào trường khối A mà thực tế em không thi ở nơi đó hay không? Liệu nhà trường tổ chức thi đó có cấp liền một lúc 2 giấy báo điểm nguyện vọng 1 cùng một lúc không vì em thi cả 2 khối? 
- Bộ GD&ĐT trả lời: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 nhằm 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi này làm căn cứ để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Việc thi ở địa điểm nào do thí sinh đăng ký tại cụm thi sẽ được công bố trước khi các em làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Ngoài việc dự thi các môn để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi các môn để xét tuyển sinh vào các trường có nguyện vọng học. Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi, trong đó có 1 Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét nguyện vọng bổ sung.
Thi 2 khoi 2 truong khac nhau, dang ky du thi the nao?
Ảnh minh họa. 
Trên mỗi Giấy chứng nhận kết quả thi ghi kết quả của từng môn thi, nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối A của một trường đại học, thì trường sẽ tổ hợp kết quả thi của các môn: Toán, Vật lí và Hóa học để xét tuyển; tương tự nếu thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào khối B của một trường nào đó, thì trường sẽ tổ hợp kết quả thi của các môn: Toán, Hóa học và Sinh học để xét tuyển.
Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ không được xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển, thí sinh sẽ dùng 3 Giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thời hạn xét tuyển của mỗi đợt là 20 ngày và kết thúc trước ngày 31/10 đối với các trường đại học và 15/11 đối với các trường cao đẳng.
- Đối với những thí sinh đăng ký thi thêm 2-3 môn thi ngoài 4 môn tối thiểu nhưng sau đó không thi các môn đã đăng ký, hoặc vi phạm quy chế thi thì có được xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả những môn đã thi để xét tuyển ĐH, CĐ hay không?
- Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, trả lời: Nếu thí sinh vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ thi thì sẽ phải dừng thi những môn còn lại. Nếu chỉ bị trừ điểm thì các em vẫn được xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Thi thiếu một trong những môn thi tốt nghiệp do ốm đau, tai nạn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nếu điểm học các môn từ 5 điểm trở lên.
- Theo quy chế thì không có sự phân biệt giữa cụm thi liên tỉnh và cụm thi trong tỉnh, thế nhưng không ít người lo ngại các ở các Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì dễ dẫn đến tình trạng “tháo khoán”, tiêu cực phát sinh… vì tư tưởng thành tích địa phương... Bộ GD&ĐT đã tính tới các tình huống này chưa và phương án xử lý sẽ như thế nào?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trả lời: Chúng tôi đã tính toán điều này trước khi đề ra phương án thi cụm tỉnh. Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước, cho thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. Trước đây có hiện tượng "tháo khoán", nhưng giờ đã khác, thi nghiêm túc hơn, đề thi hợp lý hơn. Vì vậy thi cụm tỉnh chắc chắn sẽ nghiêm túc hơn. Nhưng để dư luận xã hội yên tâm hơn với cụm thi liên tỉnh, chúng tôi quyết định, kể cả cụm thi tỉnh thì vẫn do trường đại học chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức. Công tác thanh tra giữa 2 loại cụm thi là giống nhau.

Bình luận(0)