Ngày 5/3/2015, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Olympic 27/4 (27/4/1975 là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh).
Đề thi Văn trong kỳ thi này ngay sau đó đã gây xôn xao trong giới học đường và cư dân mạng với có một số chi tiết, yếu tố được xem là lạ với những đề thi văn truyền thống.
Cụ thể, đề thi vẫn giữ nguyên bố cục của một đề thi học sinh giỏi văn thông thường hiện nay (có câu hỏi nghị luận xã hội và câu hỏi nghị luận văn học), tuy nhiên nội dung đề lại được “sinh động hóa” bằng các hình ảnh, yếu tố lạ như hình cây bút chì bị bẻ gãy, chữ Hán, tiếng Anh...
|
Đề thi dành cho học sinh lớp 10. |
|
Đề thi dành cho học sinh lớp 11. |
Đề thi văn “lạ” này nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đề thi có nhiều nội dung khó, “đánh đố” đối với học sinh chỉ mới đang học về lớp 10, lớp 11. Hơn nữa, đề thi yêu cầu nghị luận xã hội đề cập tới các vấn đề “nóng” của thế giới, vượt xa phạm vi học của học sinh…
Độc giả có tên Thanh Hà nhận định: “Ở đề thi dành cho học sinh lớp 10, câu hỏi số 2 gắn chữ Hán trong đề thi (chữ này có nghĩa là Trần) với biểu trưng "một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc" là hơi khiên cưỡng. Hơn nữa, nhiều học sinh chưa chắc đã biết nghĩa của từ này, kể cả trong sách giáo khoa hoặc sách tham khảo từng đưa ra thì chưa chắc các em đã nhớ được mặt chữ khi không hề được học một kiến thức cơ bản nào về chữ Hán trong nhà trường phổ thông”.
Bạn đọc có tên Trần Anh Hùng nêu ý kiến: “Ở đề thi dành cho học sinh lớp 11, câu hỏi số 1 (8 điểm), cách hỏi có thêm chú thích "Tham khảo gợi ý: Tại sao không phải thanh gươm hay khẩu súng mà là ngọn bút" cho thấy đề thi còn rườm rà, thậm chí vấn đề bị bó hẹp. Nhìn ảnh thì tôi liên tưởng ngay tới vụ biếm họa của tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) xảy ra cuối năm 2014, tuy nhiên không phải học sinh nào cũng biết tới sự kiện này. Tôi nghĩ đề thi nên nói cụ thể hơn, ít nhất cũng phải gợi ý về bối cảnh hoặc sự kiện của bức tranh, nhất là tranh biếm họa”.
Không đồng tình với các quan điểm trên, độc giả tên Thùy Linh cho hay: “Tôi không hiểu sao ở đề thi dành cho học sinh lớp 10, nhiều người lại cho rằng đưa chữ Hán vào trong đề là không nên, nhiều học sinh sẽ không hiểu nghĩa của từ đó. Thực tế, trong sách giáo khoa văn học lớp 10, ở bài về văn học thời Lý – Trần có xuất hiện hình ảnh chữ Hán này và giải nghĩa ở phần chú thích. Theo đó, chữ Hán trên có nghĩa là "Trần". Chữ Trần khi chiết tự ra có nghĩa là Đông A, gợi liên tưởng về "hào khí Đông A".
Chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, NGƯT Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Mùa Xuân (Hà Nội), người từng nhiều năm dạy và ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn, đánh giá, cả hai đề thi nói trên tương đối phù hợp, có các câu nghị luận xã hội, nghị luận văn học.
“Đây là đề thi để chọn ra học sinh giỏi, các thí sinh đều là những học sinh giỏi môn Văn của các trường, nên đề thi này không phải là quá khó với các em. Đề thi thế này có tác dụng tốt với học sinh, làm giảm đi tình trạng học vẹt, học sáo mòn trong các nhà trường”, thầy Đại nói.
Theo thầy Đại, đối với đề thi lớp 10, câu 1 không có gì đặc biệt cả. Nhưng ở câu 2, nhiều người cho rằng chữ Hán có nghĩa là Trần (gồm chữ Đông và A), nói về giai đoạn hào hùng của một dân tộc. Chữ này có thể có trong sách, nhưng cũng có thể là ở các sách tham khảo. Là một học sinh giỏi, các em phải tự biết về chữ Trần, thời Trần - giai đoạn hào hùng được thể hiện qua nhiều tác phẩm văn học.
Còn đối với đề thi lớp 11, thầy Đại cho rằng, câu 1 dùng giải thích chưa rõ ràng, phù hợp. Nếu đã là tranh biếm họa thì nên nói rõ ai vẽ, trong bối cảnh nào. Nhưng nhìn ảnh cũng có thể nói về vụ thảm sát tại một tòa báo ở bên Pháp. Bức tranh mang ý nghĩa lòng quyết tâm của những nhà báo chân chính, mạnh mẽ vươn lên. Các câu tiếng Anh nói về hôm qua, hôm nay, ngày mai là các câu phổ dụng, các em đều học môn tiếng Anh nên hoàn toàn dịch và hiểu được thông điệp từ bức tranh.
Nếu ai đó nói rằng học sinh không cập nhật tình hình thời sự sẽ khó làm được bài, nhưng sự kiện này quá nổi bật trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Văn cũng có nghĩa là đời, vậy nên các em cũng phải thường xuyên cập nhật tình hình thời sự.
“Theo tôi, đề thi hoàn toàn phù hợp với chương trình, đối tượng dự thi ở đây là để chọn ra học sinh giỏi môn Văn để tiếp tục đi thi ở cấp cao hơn, nên không thể đánh giá cảm quan là khó, hay ngoài cách học thông thường của các em. Đề thi rất mở, nên học sinh phải vận dụng khả năng văn học, cảm quan về thời sự để làm tốt bài thi. Tuy nhiên, các em cũng cần được làm quen với dạng đề thi này. Đề thi này chỉ khó với học sinh trung bình, hay bị “ép” đi thi học sinh giỏi”, NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ thêm.
Trao đổi với Kiến Thức, một giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Quốc học (Huế) cho hay: "Trước khi nhận định một đề thi nào đó là lạ hay mang tính đánh đố thì cần xem xét đối tượng dự thi là ai. Nói về đề thi học sinh giỏi Olympic môn Văn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên, với học sinh trung bình hay trung bình khá trở xuống thì có thể là đánh đố. Nhưng đối tượng của kỳ thi này là học sinh giỏi văn và với nhóm đối tượng này, đề thi không hề đánh đố hay nằm ngoài phạm vi hiểu biết của họ. Hiện môn văn là một trong những môn có phần thi tự luận nên học sinh luôn được khuyến khích theo dõi, đọc thêm các vấn đề thời sự trong nước và thế giới, nhất là học sinh các lớp chuyên văn".