Sáng 18/10, khu vực sân chung tòa HH3, HH4 khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn có nhiều người ngồi nghỉ ngơi, các hoạt động sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường.
Anh T., người dân sinh sống, kinh doanh trong khu chung cư, cho Zing biết 2 ngày nay, tình trạng các nhóm người cao tuổi tụ tập, bật nhạc lớn nhảy múa và hát hò không còn diễn ra.
"Có vẻ sau vụ phản ứng đó, tình trạng đã được hạn chế. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn sẽ tái diễn thôi vì họ (chỉ các nhóm cư dân cao tuổi - PV) 'nghiện' tụ tập như vậy rồi, không bỏ được đâu", anh chia sẻ.
Trước đó, vào sáng 16/10, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một người đàn ông mang theo loa kéo, bật nhạc đám ma với âm lượng lớn tại sân chung cư HH Linh Đàm, trước mặt một nhóm người cao tuổi.
Hành động này được cho để phản đối nhóm cư dân cao tuổi thường xuyên tụ tập nhảy múa, ca hát gây ồn ào trong khu vực.
|
Bức xúc vì tiếng ồn do nhiều người cao tuổi tụ tập, cư dân chung cư HH Linh Đàm dùng loa kéo bật nhạc đám ma để phản ứng. Ảnh cắt từ clip.
|
Mệt mỏi vì tiếng ồn
Đến đây sinh sống 6 -7 năm nay, anh T. cho biết đã quá quen với cảnh ồn ào tạo ra bởi các nhóm cư dân, đặc biệt là người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sinh hoạt của nhiều người dân các tòa nhà.
"5h, 6h sáng, các cụ đã mở nhạc tập thể dục, dưỡng sinh, chiều tiếp tục nhảy múa, ca hát, mỗi tốp một loa, có hôm kéo dài đến tận 21h, 22h, rất mệt mỏi".
Theo anh, dù cư dân nhiều lần phản ánh với ban quản lý, các nhóm gây ồn đã được nhắc nhở song mọi chuyện đâu lại vào đấy.
|
Sáng 18/10, khu vực sân chung cư không còn hiện tượng tụ tập, bật nhạc lớn.
|
Chị Trần Thanh Hương, tổ phó tổ dân phố 37, tòa HH2C chung cư Linh Đàm, cũng chung nỗi bức xúc. Theo chị, tình trạng người cao tuổi mở nhạc tập thể dục, khiêu vũ, chơi bóng chuyền diễn ra đã lâu, còn việc dùng loa kéo hát karaoke ở sân chung xuất hiện khoảng nửa năm nay, khiến nhiều cư dân mệt mỏi.
"Chúng tôi đã tìm đủ cách, khuyên bảo, giải thích đến nhờ ban quản lý can thiệp. Đầu tháng này, chúng tôi còn yêu cầu họ ký biên bản hứa không tái diễn tình trạng nhưng đều không được. Mọi người cũng không thể dùng biện pháp mạnh bởi họ cũng là cư dân ở đây, lại là người cao tuổi, người khuyết tật nên chỉ có thể nói chuyện lý lẽ", chị nói.
Theo chị Hương, nhiều cư dân các tòa nhà đi làm muộn, thường dậy vào 8h, 9h song từ sáng sớm đã phải chịu cảnh "tra tấn thính lực" bởi tiếng nhạc đủ loại.
"Nói chung tình trạng ồn ào diễn ra cả ngày, trừ 12h trưa. Trẻ con ở đây thì học luân phiên, hay ở nhà tự học mà ồn như vậy rất ảnh hưởng, nhất là các tầng thấp, 20 trở xuống và mặt phía trong đối diện sân chung".
|
Chị Hương cho biết dù nhiều lần cư dân phản ánh, tình trạng ồn ào vẫn tái diễn.
|
Về việc mở loa phát nhạc đám ma, chị Hương cho biết đây là hành động được một cư dân thực hiện sau khi bàn bạc với nhiều người chung nỗi bức xúc, nhằm thể hiện sự phản đối. Việc phát nhạc này diễn ra trong khoảng 15 phút sáng 16/10.
"Chúng tôi chỉ mong sau sự việc lần này, các cụ có thể tìm phương án giải trí, vận động hợp lý hơn, không gây ảnh hưởng đến người khác. Sống ở môi trường như chung cư chủ yếu là tôn trọng nhau thì mới hòa thuận, vui vẻ được", chị bày tỏ.
Đại chiến chung cư
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn gây ra bởi cư dân sống tại các tòa chung cư, gây xung đột với những người khác không phải là chuyện mới. Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, các "đại chiến chung cư" từng nhiều lần gây chú ý, tranh luận trên mạng xã hội.
Tại một chung cư ở khu phố Pudong (Thượng Hải, Trung Quốc), việc hai căn hộ 502 và 602 trả đũa nhau từng khiến người dân cả tòa nhà 11 tầng khốn khổ suốt 5 năm, bắt đầu từ 2016.
Theo đó, vấn đề bắt đầu từ việc đường ống nước ở ban công nhà 602 rò rỉ xuống nhà 502. Tuy nhiên, hai gia đình không thành công trong việc hòa giải, thỏa thuận, người nhà 502 bắt đầu mua một dụng cụ gọi là máy lắc sàn.
Khi áp thiết bị này lên trần nhà, những tiếng ồn chói tai sẽ dội thẳng lên tầng phía trên và làm rung chuyển sàn nhà theo nghĩa đen. Chính người nhà 502 cũng bị ảnh hưởng song sẵn sàng chịu để trả đũa hàng xóm.
|
Các sản phẩm tạo tiếng ồn để trả đũa hàng xóm được bày bán nhiều tại Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh: Odditycentral.
|
Sống tại căn hộ 702, bà Wang là một trong các nạn nhân của cuộc chiến giữa hai gia đình này. Chồng bà thường xuyên thiếu ngủ. Một ngày tháng 8/2018, chồng bà thức trắng vì không ngủ nổi bởi những âm thanh quấy nhiễu. Đến rạng sáng, ông bị chóng mặt, trượt ngã, gãy 4 xương sườn.
Mọi người trong chung cư khuyên nhủ, thậm chí nhờ tới cảnh sát, tổ dân phố song đều không có tác dụng. Mỗi khi có nhà chức trách, hai hộ gia đình lại cố thủ trong nhà, tắt tiếng ồn và bật lại khi mọi người rời đi. Vụ việc khiến nhiều người trong tòa nhà thậm chí phải chuyển đi nơi khác.
Tháng 3/2022, các sản phẩm như "loa trả thù", máy rung tạo tiếng ồn với đủ thiết kế, công suất khác nhau, vốn xuất hiện từ năm 2016, bỗng ghi nhận lượng mua tăng vọt trên các trang thương mại điện tử Hàn Quốc.
Có giá trung bình khoảng 17.000 won, các thiết bị này đều có chung công dụng là gắn lên tường nhà, có thể tạo ra âm thanh để quấy nhiễu hàng xóm xung quanh. Các thiết bị tương tự cũng được rao bán phổ biến và nhận nhiều sự quan tâm tại Trung Quốc.
Hệ thống âm thanh được thiết kế đặc biệt để làm phiền hàng xóm không bị xem là bất hợp pháp ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc. Song việc trả đũa lẫn nhau được cho chỉ khiến sự việc tệ hơn, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực, theo Oddity Central.
Trong khi đó, chính quyền địa phương nhiều nơi khuyến nghị người dân nên tìm đến các biện pháp văn minh để giải quyết vấn đề như thẳng thắn trao đổi, báo cáo với ban quản lý chung cư...