Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4, nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm đã được nêu và được đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự họp báo giải đáp, làm rõ.
Mầm non của 62/63 tỉnh thành đã đi học
Tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi về phương án và lộ trình cho học sinh các cấp gồm học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường học, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã tiêm vắc xin rồi mà một số địa phương vẫn chưa cho trẻ mầm non đến trường dù đã gần hết năm học 2021-2022?.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Việc cho học sinh đến trường là cần thiết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc sớm đưa học sinh trở lại trường theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, gần đây có bước chuyển biến tích cực. Hiện nay, cả nước 92,17% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp tại các cấp.
Chiều nay, Hà Nội công bố kế hoạch ngày 6/4 đưa học sinh tiểu học trở lại trường. Nếu như vậy thì tổng số 97% học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Tính về các bậc học, riêng bậc mầm non, 62/63 tỉnh, thành phố, trừ Hà Nội, cho trẻ em mần non đến trường. Trong 62/63 tỉnh, thành phố, có 7 tỉnh cho dừng 1 huyện hoặc thành phố do dịch bùng phát nhanh.
"Nhìn tổng thể, các địa phương đã rất quyết liệt tích cực, thấy rõ việc cho học sinh đến trường là cần thiết. Tất nhiên, tình hình dịch bệnh của các địa phương có đặc điểm khác nhau. Với chỉ đạo đó, tôi cho rằng các địa phương đã làm rất tốt", Thứ trường Bộ GD&ĐT nói.
Bậc tiểu học đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố học trực tiếp, tính cả hoạch của Hà Nội đến ngày 6/4. Riêng Hà Nội chưa cho trẻ mầm non đi học; căn cứ tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Thành phố sẽ quyết định.
3 vắc xin "made in Vietnam" đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ
"Việt Nam đã bước vào cuộc đua sản xuất vắc xin từ đầu dịch COVID-19, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có loại vắc xin Made in Vietnam nào góp mặt vào chiến dịch tiêm chủng. Xin Bộ Y tế cho biết về "số phận" các loại vaccine sản xuất trong nước như thế nào?", PV đăt câu hỏi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời: Đối với vắc xin sản xuất tại Việt Nam, ngay từ đầu dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo, khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vắc xin trong nước. Đến giờ, chúng ta có 3 ứng cử viên vắc xin là: Nanocovax, Covivax, Arct 154.
Đối với vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Nanogen, đến bây giờ Nanogen đã nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3. Vắc xin này đã được Hội đồng Đạo đức cũng như Hội đồng Tư vấn cấp phép của Bộ Y tế họp đánh giá. Qua rà soát hồ sơ của ứng cử viên này, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng đề nghị Nanogen bổ sung. Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp bổ sung dữ liệu cho Hội đồng Tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung tiếp được tài liệu đó, Hội đồng tiếp tục họp, nếu đủ điều kiện, Hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép vắc xin này.
Đối với vắc xin Covivax do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, cũng đã được đánh giá giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang đánh giá giai đoạn 2, hoàn thiện đề cương hồ sơ để thử nghiệm giai đoạn 3.
ARCT 154 là vắc xin sản suất công nghệ RNA do công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển nhượng công nghệ từ công ty Arcturus Therapeutics Hoa Kỳ. Vaccine này đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, giai đoạn 2, đang triển khai giai đoạn 3a, 3b, và đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 người tình nguyện đầu tiên.
Cả 3 ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vắc xin này.
Vắc xin là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vắc xin chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Người đàn ông Đức tiêm 87 mũi vắc xin COVID-19 để lấy thẻ xanh đem bán