Quan lớn xin từ chức, Tây bình thường, tại sao ta cứ phải xôn xao?

Google News

(Kiến Thức) - Sự việc hai lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ khiến dư luận xôn xao. Vậy tại sao, văn hóa từ chức ở nước ngoài là chuyện rất bình thường thì ở nướcc ta lại xôn xao như vậy?

Việc Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chức được một lãnh đạo tỉnh này cho rằng, xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025 dự kiến tổ chức vào tháng 10.

Quan lon xin tu chuc, Tay binh thuong, tai sao ta cu phai xon xao?
Hai lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xin từ chức sau khi bị kỷ luật cảnh cáo.  

Tuy nhiên điều đáng nói, ngày 16/6, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo. Ông Trần Ngọc Căng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Trước vấn đề này, dư luận xôn xao với nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc văn hóa từ chức ở Việt Nam. Theo đó, có ý kiến cho rằng, việc các lãnh đạo đã bị Bộ Chính Trị và Ban kiểm tra TW kỷ luật cảnh cáo đồng nghĩa trước sau cũng sẽ bị cách chức. Vì thế, động thái của họ chỉ là một bước nhằm giảm tai tiếng sau này. Văn hóa từ chức vì thế không có ý nghĩa. 
Nhưng luồng dư luận khác lại cho rằng, các lãnh đạo sau khi bị kỷ luật đã nhìn nhận được sai phạm của bản thân nên rút lui, nhường cơ hội cho những người có năng lực tốt hơn. Đó cũng là hành động đáng tuyên dương, nhất là từ trước đến nay, chuyện từ chức trong các lãnh đạo cấp tỉnh chưa từng xảy ra. 
Có thể nói, văn hóa từ chức trong tình huống này chưa thực sự ý nghĩa như các trường hợp từ chức ở phương Tây, nhưng đó là tiền đề để các lãnh đạo khác thấy bản thân không còn phù hợp vị trí, có những hạn chế hoặc sai phạm sẽ từ chức trước khi bị kỷ luật của cá cơ quan cấp cao hơn.  

Trao đổi cùng Kiến Thức, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng, từ chức ở nước ngoài là văn hóa và rất thành công. Nước Mỹ có thể một năm thay 3 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hay nói cách khác họ thay bộ trưởng như… thay áo. 

Còn ở nước ta, từ chức chỉ mới dừng lại ở kêu gọi. Thực tế các trường hợp từ chức rất hiếm, và thường vào bước đường cùng để làm...  đẹp. Theo đó, vị Thiếu tướng phân tích, từ chức ở nước ta nhiều động cơ.

Động cơ thứ nhất là từ chức trước kỳ đại hội với mong muốn giúp tổ chức sáng suốt lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, trí tuệ điều hành công việc và tự thân các đồng chí ấy nghĩ rằng việc mình từ chức sẽ tốt cho địa phương, cho Đảng, cho dân hơn. Với hiện tượng này, quả thật rất hy hữu ở nước ta với động cơ cực kỳ tốt đẹp.

Động cơ thứ hai là những người từ chức vì biết chắc rằng nhiệm kỳ này họ sẽ không thể được bầu chọn, không còn cơ hội. Vì thế, họ từ chức cũng chỉ là hình thức làm đẹp bên ngoài.

Đối tượng thứ 3 là những người đang sai phạm và biết chắc chắn sẽ bị xử lý, nên từ chức trước để tạo ấn tượng dư luận tốt hơn.

“Có nhiều động cơ từ chức, nếu các trường hợp lãnh đạo Quảng Ngãi từ chức thuộc vào loại thứ nhất thì tuyệt vời và cần tuyên dương, ủng hộ, Đảng nên khuyến khích”, - thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Quan lon xin tu chuc, Tay binh thuong, tai sao ta cu phai xon xao?-Hinh-2
Thiếu tướng Lê Văn Cương.  

Ở góc độ khác, vị này cũng cho rằng, ở nước ta văn hóa từ chức chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi, chưa có các trường hợp từ chức một cách “trong sáng”, vì lợi ích của dân, của nước.

Nước ta, chỉ có một số người từ chối chức quyền như Giáo sư, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại từ chối làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 lần, ông Lê Mai (đã mất) từ chối làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Và trong kỳ đại hội này, có một trường hợp được tổ chức làm Bộ trưởng của một bộ quan trọng nhưng cũng từ chối.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, để có văn hóa từ chức nước ta cần làm nhiều việc, không dừng lại ở kêu gọi trong các cuộc họp. Như, Nhà nước cần tăng lương để cán bộ sống bằng lương, ngăn chặn quan chức sống bằng “lậu”.

Nếu sống bằng hối lộ và quyền lực vô hình thì không ai từ chức, đừng nói đến từ chức với mục đích tốt đẹp.

“Một chủ tịch tỉnh chỉ có lương 14-15 triệu đồng thì không ai từ chức. Người ta sẽ kiếm nơi khác nhiều hơn số lương này. Vì thế chế độ đãi ngộ phải tương xứng với công việc được giao. Đồng thời cần ngăn chặn đầu vào tha hóa. Lúc này từ chức sẽ nhẹ nhàng, không có gì nặng nề.  

Ở nước ngoài, bộ máy quan chức được đào tạo ở trình độ rất cơ bản về phương pháp luận, không phải chỉ để làm bộ trưởng, tỉnh trưởng…. Trên cơ sở lý luận đó, dù từ chức họ vẫn sống tốt sau đó. Còn nước ta, nếu không “ôm” ghế làm công chức, nhiều người không biết làm gì để kiếm sống. Nói thẳng ra là do trình độ công chức Việt Nam thấp” - thiếu tướng Lê Văn Cương nói thẳng. 

 

 

 

Hà Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)