Những ngày qua, dư luận cả nước đều không khỏi “sốc, ngỡ ngàng” khi nhắc tới kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang nói riêng và công tác giáo dục tại tỉnh này nói chung. Đây có thể coi là là vụ gian lận thi cử quy mô lớn chưa từng thấy.
Người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi được xác định là ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang). Theo đại diện PA83 (Công an tỉnh Hà Giang), chỉ trong vòng 2 tiếng, ông Lương đã sửa điểm 330 bài thi trắc nghiệm, trung bình mỗi bài mất 6 giây. Tuy vậy, cơ quan điều tra vẫn còn tiếp tục tìm hiểu xem liệu có ai giúp sức ông Lương, vì một người trong 2 tiếng khó mà sửa được 330 bài thi.
|
Ông Vũ Trọng Lương (trái) làm thủ tục cho thí sinh kiểm tra phong bì đề thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2017-2018. Ảnh: Sở GD-ĐT Hà Giang |
Trong cuộc họp báo ngày 17/7 thông tin vụ việc “phù phép” điểm thi ở Hà Giang, cơ quan chức năng cho biết, trong 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.
Nhìn chung, vụ việc gian lận sửa điểm thi ở Hà Giang đã để lại thêm một “vết nhơ” ngành giáo dục tỉnh này vốn đã từng để xảy ra nhiều vụ bê bối trong quá khứ.
Sở "ép" phòng "buộc" học sinh mua sách tham khảo
Một trong những vụ việc bê bối giáo dục gần đây nhất liên quan tới tỉnh Hà Giang là việc Sở GD&ĐT tỉnh ra công văn yêu cầu học sinh mua sách tham khảo.
Theo báo Nhân dân Online, ngày 16/2/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang ra công văn số 116/SCDĐT-GDTH về việc: Năm học 2017-2018, Sở duy trì những "ưu điểm" của tài liệu "Bài tập củng cố kiến thức, kỹ năng môn Toán, tiếng Việt cho học sinh học hai buổi/ngày, do chương trình SEQAP triển khai".
Theo Sở GD&ĐT Hà Giang, các tài liệu này “giúp” giáo viên tiểu học thuận lợi trong xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày; nâng cao năng lực cho giáo viên ra đề kiểm tra cuối kỳ… và hạn chế tình trạng học sinh chưa hoàn thành chương trình (chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng).
Trên cơ sở lập luận đó, Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang yêu cầu các phòng GD và ĐT huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các trường tiểu học tuyên truyền tới cha mẹ học sinh mua và sử dụng tài liệu "Bài tập củng cố kiến thức, kỹ năng môn Toán, tiếng Việt" cho học sinh học hai buổi/ngày và vở tập viết, luyện viết từ lớp 1 đến lớp 5, có nội dung văn hóa địa phương.
Tiếp đến, ngày 16/5/2017, Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang có Công văn số 528/SGDĐT-GDTH chỉ đạo, đôn đốc các phòng GD và ĐT huyện, thành phố thực hiện những nội dung như Công văn số 116/SGDĐT-GDTH đã nêu. Tại công văn này, Sở GDDT Hà Giang còn yêu cầu "tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả việc sử dụng vở tập viết, luyện viết", đồng thời thông báo "sẽ thành lập các đoàn kiểm tra và đánh giá năm học 2017-2018" đối với tất cả trường TH trên địa bàn tỉnh.
Những văn bản chỉ đạo của Sở GD và ĐT tỉnh Hà Giang đi ngược Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
“Động trời” hiệu trưởng mua dâm nữ sinh
Tuy không liên quan tới điểm thi, thế nhưng vụ bê bối mua dâm nữ sinh của nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh (Hà Giang) năm 2009 cho tới giờ vẫn là “vết nhơ khó gột” ngành giáo dục tỉnh này.
Tháng 9/2009, cả nước "sốc nặng" khi nghe tin ông Sầm Đức Xương (50 tuổi) - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, tỉnh Hà Giang) bị bắt tạm giam để điều tra hành vi mua dâm nữ sinh.
Cùng thời điểm, cơ quan CSĐT khởi tố bị can Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Thúy – cựu học sinh về tội môi giới mại dâm. Thời điểm bị khởi tố về hành vi môi giới mại dâm, bị can Nguyễn Thị Thanh Thúy chưa đủ tuổi vị thành niên (Nguyễn Thị Thanh Thúy sinh ngày 01/01/1992).
|
Phiên tòa xét xử ông Sầm Đức Xương và hai bị cáo đồng phạm và cũng là "nạn nhân". Nguồn ảnh: NLĐ |
Theo Viện KSND tỉnh Hà Giang, từ tháng 9/2008 đến tháng 5/2009, Thúy đã bán dâm cho Sầm Đức Xương 3 lần, được 650.000 đồng. Cáo trạng nêu rõ Nguyễn Thúy Hằng có 2 lần môi giới mại dâm và Nguyễn Thị Thanh Thúy có 3 lần môi giới mại dâm.
Tại cơ quan điều tra, Thúy và Hằng thừa nhận vì tiền đã tích cực đi săn tìm học sinh của trường THCS và THPT Việt Lâm muốn bán dâm. Cơ quan điều tra xác định, ít nhất 8 cô gái đã bị Thúy và Hằng rủ rê. Trong đó có 3 học trò lớp 8-9, còn lại chủ yếu là nữ sinh lớp 11.
Địa điểm "gặp gỡ" là tại phòng làm việc của hiệu trưởng hay nhà nghỉ trong khu vực do người môi giới trực tiếp thuê phòng. Mỗi lần mua dâm, ông Xương trả nhiều nhất từ 1 đến 2,5 triệu đồng. Duy nhất một người cho rằng không còn trinh, ông chỉ đưa 100.000 đồng.
8 thiếu nữ cho biết do bị rủ rê, hạn chế hiểu biết, muốn bán thân để kiếm tiền nên đã đồng ý theo sự sắp đặt của Hằng và Thúy. Tiền ông Xương trả, các cô không được nhận hết mà phải đưa lại một phần cho Hằng và Thúy.
Sau 2 năm với nhiều phiên tòa cùng một lần phải trả lại hồ sơ điều tra lại từ đầu, ngày 28/6/2011, TAND tối cáo đã bác kháng cáo kêu oan của ông Sầm Đức Xương. Ông tiếp tục bị kết tội đã mua dâm người chưa thành niên, y án 9 năm tù.