Liên quan đến vụ nhiều hộ gia đình nhận hỗ trợ bão lũ 2.000 đồng ở tỉnh Quảng Nam gây xôn xao dư luận, luật sư Bùi Văn Tuấn, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã quy định rất rõ về nguyên tắc và mức hỗ trợ.
Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại) và việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.
Tại Điều 5 về mức hỗ trợ, Nghị định cũng đã nêu rõ: Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
|
Số tiền hộ gia đình bà Truyện nhận được sau 2 cơn bão. |
Đây cũng là căn cứ mà UBND xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đưa ra thông báo và quyết định hộ bà Nguyễn Thị Kim Truyện được hỗ trợ 2.000 đồng sau cơn bão số 6 và số 9.
“Bà Truyện kê khai và có đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại đối với cây trồng (cây chuối) với diện tích bị thiệt hại 10 m2, thiệt hại trên 70%. Theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP, diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% thì hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Như vậy, mức hỗ trợ theo quy định đối với hộ bà Truyện là 4.000 đồng/10 m2. Huyện cấp kinh phí hỗ trợ 53%, như vậy bà Truyện nhận hỗ trợ số tiền là 2.150 đồng" – UBND xã Tam Vinh giải thích.
Cũng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, chủ động thực hiện công tác hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai, các nguồn lực hợp pháp khác để kịp thời khôi phục sản xuất; đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (đối với thiệt hại do thiên tai) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo;
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến các hộ sản xuất bị thiệt hại đảm bảo công khai, minh bạch, đúng chính sách và mức quy định. Sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả, ban hành các quy định, chế tài cụ thể đảm bảo không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực...
Như vậy, việc hỗ trợ 2.000 đồng cho hộ bà Nguyễn Thị Kim Truyện (diện tích bị thiệt hại 10 m2, thiệt hại trên 70%) là hoàn toàn đúng quy định nhưng có phần phản cảm, cứng nhắc.
Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về phương pháp làm việc trong công tác chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do bão gây ra tại xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh).
Ông Thẩm cho rằng việc UBND huyện Phú Ninh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và UBND xã Tam Vinh gửi giấy mời cho người dân đi nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ thiệt hại do bão gây ra là cách làm máy móc, không sát dân.
“Về mặt nguyên tắc, anh thống kê là đúng, nhưng khi phê duyệt hỗ trợ cần phải phân tích, khi phê duyệt hỗ trợ rồi, khi đi giải quyết, cấp hỗ trợ cũng phải tính toán cách làm sao vừa khoa học, vừa hợp lòng dân, vừa đảm bảo chứ không thể nhận 2.000 đồng là đưa 2.000 đồng, nhận 5.000 đồng thì đưa 5.000 đồng. Về mặt lý thuyết, về nguyên tắc thì không sai, tiền nào cũng là tiền, lớn nhỏ cũng là tiền nhưng cách làm như vậy gây phản cảm, máy móc, không nghĩ đến cái chuyện người dân bỏ công sức cả buổi để chỉ đi nhận 2.000 đồng. Lỗi này không phải đổ thừa hết khuyết điểm ở xã mà cả ở UBND huyện, khâu nào sai đều phải kiểm điểm" – ông Thẩm phân tích.