Hiểm họa từ bình giả, gas lậu

Google News

(Kiến Thức) - Sang chiết ga lậu gây mất an toàn trong phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, hại tới uy tín của các doanh nghiệp, thất thu đối ngân sách nhà nước. 


Ngày 8/11 vừa qua Công an huyện Văn Lâm đã phát hiện và niêm phong hơn 600 bình gas thành phẩm có dấu hiệu sang chiết trái phép. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 vỏ bình gas của nhiều thương hiệu khác nhau như PetroVietnam Gas, Thăng Long Gas, Vinasshin Gas… Cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng nghìn tem mác, niêm phong có in thương hiệu của nhiều hãng gas khác nhau, và nhiều tem chống giả của Bộ Công an.
Đây cũng chỉ là một trong số các vụ vi phạm sang chiết gas trái phép bị phát hiện trong thời gian vừa qua đã khiến người tiêu dùng hoang mang.
Ông Nguyễn Minh Hải – Phó giám đốc Công ty CP kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc cho biết, Việc thu lợi bất chính từ việc sang chiết và bán hàng giả này có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi bình, nơi mà sản xuất bán hàng giả người ta có thể thu lợi nhiều do không phải chịu những chi phí như đầu tư, khấu hao vỏ bình, kiểm định vỏ bình, sửa chữa, thay thế phụ kiện cho vỏ bình trong suốt quá trình sử dụng. Một hình thức gian lận nữa là cắt tai mài vỏ là người ta chiếm dụng những vỏ bình của các hãng rồi cắt bỏ những bộ phận của bình và sau đó sản xuất ra các bình khác để bán trên thị trường, cái này ngoài thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp thì còn là mối nguy hiểm lớn cho người tiêu dùng vì khi vỏ bình đã bị sửa chữa trái phép như vậy nó không còn đảm bảo an toàn nữa.
Việc chiếm dụng bình, sau đó cắt tai, mài vỏ, dán nhãn hiệu gas giả lên bình thật đang đe dọa tính mạng người tiêu dùng. Mặc dù có nhiều cơ quan cùng quản lý các đại lý kinh doanh gas nhưng sau khi cấp phép, khâu quản lý, hậu kiểm lại gần như bị bỏ trống. Điều đáng nói là ngay cả các công ty cũng không quản lý được các đại lý và các đại lý lớn không quản lý được đại lý nhỏ khiến việc trà trộn bán gas ra thị trường vẫn rất phổ biến.
Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương cho rằng, một bộ phận doanh nghiệp chưa tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả nguyên nhân là ngại ảnh hưởng đến uy tín, doanh số, đối với người tiêu dùng thì ý thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, nhiều người ở thành thị biết là hàng giả nhưng vẫn mua bởi người dân vẫn ham hàng rẻ.
Hiện cả nước có khoảng trên 20 triệu vỏ bình gas với rất nhiều thương hiệu khác nhau, trong đó bình gas dởm đã chiếm khoảng 5 triệu bình. Gas dởm từ đâu ra, một câu hỏi mà dân trong ngành gas ai cũng biết rõ thế nhưng các doanh nghiệp kinh doanh gas vẫn chưa thực sự kiên quyết đẩy lùi vấn nạn này. Bên cạnh đó mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng lại đang được cấp phép kinh doanh dễ dàng khiến thị trường kinh doanh gas rất lộn xộn. Đây là vấn đề đòi hỏi các Bộ ngành liên quan sớm xây dựng chính sách nhằm quản lý chặt chẽ việc kinh doanh gas và cũng là để bảo vệ người tiêu dùng
Vương Long/Theo ANTV

Bình luận(0)