Mới đây, tờ Sina của Trung Quốc dẫn thông báo từ Cục Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển từ 15độ29’58’’ vĩ bắc - 111độ12’06’’ kinh đông, phía nam đảo Tri Tôn tới 15độ33'38" vĩ bắc - 11độ34'62" kinh đông với vận tốc 5 hải lý/giờ. Ngoài việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc tiếp tục hung hăng, chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam dưới nhiều hình thức như vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng...
|
Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động gây hấn tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. |
Hiện, dư luận đang đặt câu hỏi: ẩn sau việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 này là một âm mưu nào khác của Trung Quốc? Việt Nam nên làm gì để đối phó với những mưu mô xảo trá của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc? Nhằm làm rõ những vấn đề liên quan này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS lịch sử Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa.
- Ông nhìn nhận thế nào về hành động di chuyển giàn khoan của Trung Quốc, mục đích của họ là gì?
- Trung Quốc thay đổi vị trí giàn khoan để tiến gần đến đảo Tri Tôn, một hòn đảo mà năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (trong đó có đảo Tri Tôn). Việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Tri Tôn để đánh lừa nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới. Trung Quốc cho rằng, nếu di chuyển vào địa phận 12 hải lý gần đảo Tri Tôn không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa, sẽ được hưởng các quyền theo quy định của Công ước 1982.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bộc lộ sự gian dối về vấn đề lịch sử. Bởi năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn. Bất chấp chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó cực lực phản đối, lên án hành động xâm lược đó. Từ năm 1975, đất nước thống nhất, chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nay Trung Quốc lại lấy hành động xâm lược trong quá khứ làm lập luận biện hộ cho hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam hiện nay.
Tháng 7 này, tôi sẽ công bố hồ sơ tư liệu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam gồm 500 trang bằng tiếng Anh cho các nước trên thế giới.
- Trung Quốc có lẽ đã nhận ra những hậu quả mình sẽ phải gánh chịu khi xâm phạm chủ quyền biển đảo ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
- Thế kỷ 21 khác xa với thế kỷ 20. Nếu ở thế kỷ 20, theo kiểu thực dân kiểu cũ xâm chiếm đất thì thế kỷ 21 khác hoàn toàn. Đây là thế kỷ của vũ khí tối tân, vũ khí hạt nhân có thể làm hủy diệt cả trái đất. Không một siêu cường, một cường quốc nào muốn một quốc gia xâm phạm chủ quyền nước khác, gây nên những bất ổn đến trật tự hòa bình thế giới. Nhiệm vụ bảo vệ trật tự hòa bình thế giới là nhiệm vụ của nhiều quốc gia, chứ không chỉ Việt Nam. Vì thế, chúng ta không cô độc khi ngăn cản hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngược lại, chính hành động ngang ngược của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam sẽ dẫn nước này đến sự cô độc, các nước sẽ không chơi, bản thân Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế nếu bị cô lập.
|
Nhà nghiên cứu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, TS sử học Nguyễn Nhã. |
- Việc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 có thể là một động thái cho thấy Trung Quốc rút dần giàn khoan, để tới ngày 15/8 là rút hẳn? Liệu Trung Quốc có rút hẳn giàn khoan như đã nói hay chỉ tạm thời rút và sau đó trở lại hung hăng hơn?
- Có thể Trung Quốc sẽ rút hẳn giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang chịu áp lực quốc tế rất lớn. Họ nói chỉ hoạt động một thời gian, rồi họ rút hẳn.
- Việt Nam nên có những kịch bản thế nào đối phó với Trung Quốc trong thời gian tới?
- Thời điểm này với tình hình hiện nay, Việt Nam phải dự phòng tất cả các phương án. Việt Nam có quân đội mạnh, có mối quan hệ tốt với các nước trên thế giới. Chúng ta sẵn sàng đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra. Hiện, có một số ý kiến nêu lên 4 kịch bản đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế tại biển Đông để đưa ra cho phù hợp.
Hơn nữa, chúng ta phải cảnh giác với Trung Quốc. Cảnh giác lớn nhất hiện nay là về vấn đề kinh tế. Thời gian qua, chúng ta đã để mọi người hiểu lầm Việt Nam là sân sau của Trung Quốc nên khó khăn trong quá trình gia nhập TPP nhưng giờ thế giới đã hiểu. Khi Việt Nam vào TPP, kinh tế chúng ta sẽ khác.
Về vấn đề biển Đông hiện nay, nên có lực lượng an ninh biển gồm cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với cảnh sát biển một số quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ… Trung Quốc không dám dùng vòi rồng để phun vào tàu CSB của Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác cũng như sẽ không dám gia tăng các hoạt động gây hấn.
- Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!