Giàn khoan TQ trái phép đang ở vị trí nào trên vùng biển VN?

Google News

(Kiến Thức) - Thực tế, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển từ ngày 23 - 27/5, giờ cách đảo Tri Tôn 22-25 hải lý về phía đông đông nam. Vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển từ 5 ngày nay
Trao đổi với báo chí về sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981, Đại tá Lương Chiến Thắng, phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết từ ngày 23/5 giàn khoan 981 của Trung Quốc đã bắt đầu dịch chuyển cho đến hết ngày 26/5. Sau đó, đến 5h30 ngày 27/5, giàn khoan này lại tiếp tục rời vị trí, với sự trợ giúp của hai tàu kéo.
 Sơ đồ vị trí mới và cũ của giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam. 
Lúc 6h35, khi tàu CSB 8003 cách giàn khoan 981 khoảng 10 hải lý thì phát hiện hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay trên khu vực giàn khoan ở độ cao 1.000m. Sau đó, tàu CSB 8003 đã phát hiện hai tàu quân sự Trung Quốc mang số hiệu 571 và 781 đang đeo bám tàu 8003, có lúc chỉ cách tàu 400 m. Đến 7h50, tàu phát hiện giàn khoan 981 dịch chuyển theo hướng 85 độ, với vận tốc 4,2 hải lý/giờ.
10 phút sau, khi cách giàn khoan 981 khoảng 17 hải lý, tàu 8003 phát hiện máy bay trực thăng lượn bốn vòng ở độ cao thấp (300m) trên tàu. Đồng thời, tàu quân sự 571 cùng bảy tàu khác của Trung Quốc đã bao vây tàu CSB 8003 và các tàu kiểm ngư Việt Nam, với mục đích ép các tàu Việt Nam phải di chuyển về hướng tây, cách xa vị trí giàn khoan. Trong thời gian này, giàn khoan 981 đã tăng tốc lên 4,6 hải lý/giờ theo hướng đông đông bắc. Đến 10h, giàn khoan cách đảo Tri Tôn 22-25 hải lý về phía đông đông nam và dừng lại ở đây, vị trí này vẫn hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đến 17h30 cùng ngày, tàu CSB 8003 vẫn chưa ghi nhận được sự dịch chuyển tiếp theo của giàn khoan 981.
Ảnh Tuổi trẻ
Trước đó, khoảng 11h ngày 27/5, khi tàu CSB 2013 cập vào mạn tàu CSB 8003 của Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thì có một tàu quân sự Trung Quốc lao đến với tốc độ cao. Tuy nhiên, khi còn cách 2 hải lý thì tàu Trung Quốc dừng lại và không có động thái tiếp theo.
Lúc 16h ngày 27/5, tàu KN 635 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc 46102 đâm vào đuôi tàu làm hư hỏng phần đuôi. Tàu hải cảnh 46102 cũng là tàu từng nhiều lần đâm vào tàu CSB Việt Nam trước đó. Suốt chiều 27/5, tàu CSB 2013 đã đi theo hình vòng cung xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 để quan sát. Hiện, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn xung quanh giàn khoan so với các ngày trước nhưng không thực hiện việc đánh bắt mà chỉ đe dọa, đâm va các tàu cá Việt Nam. Số lượng các tàu cá Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang áp đảo các tàu cá Việt Nam.
Những chiếc tàu hải giám, tàu chiến, máy bay của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động liên tục trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông nhằm ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam.
Trước việc Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo ngày 27/5/2014 về việc di chuyển giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 của Trung Quốc từ vị trí 15 độ 29,58 phút N-111 độ 12,06 phút E đến vị trí 15 độ 33,38 phút N-111 độ 34,62 phút E, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc được di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/5/2014 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động, rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời không để tái diễn các hành vi tương tự”.
Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường
Hội Nghề cá Việt Nam vừa mới gửi công văn đến các cơ quan chức năng nhằm phản đối tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Công văn nêu rõ: “Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược vô nhân đạo, gây nguy hiểm cho ngư dân của phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc bồi thường những thiệt hại cho ngư dân và không tái phạm những hành động gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Võ Văn Trác cho biết, theo báo cáo của ngư dân và Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, lúc 16h hôm qua (26/5), tàu cá ĐNa 90152 TS (công suất 450CV của bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cùng 9 ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu cá vỏ sắt giả danh tàu cá số 11209 của Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm.
Cụ thể, vị trí tàu cá ĐNa 90152TS bị đâm chìm ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981 và cách giàn khoan này khoảng 17 hải lý.
“Nhờ tổ chức khai thác theo tổ, đội nên tàu ĐNa 90152TS đã được ứng cứu kịp thời, thuyền trưởng và 9 thuyền viên đã được cứu. Mặc dù, không có ai thương vong nhưng toàn bộ con tàu gồm cả tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt đã bị đắm, ước tính thiệt hại lên đến 5 tỷ đồng,” Phó Chủ tịch Võ Văn Trác cho hay.
Hội đề nghị các cơ quan chức năng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn những hành động vi phạm của Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hội cũng cho biết thêm, thời gian qua nhiều tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) liên tục bị tàu lạ đâm chìm khi đang hành nghề trên biển. Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân và có biện pháp ngăn chặn ngay những hành vi trên, nhằm bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo tổ quốc.
“Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, thực hiện đúng luật pháp quốc tế về biển, xây dựng tổ đội hợp tác khi đi khai thác trên biển, hỗ trợ nhau trong sản xuất để đạt hiệu quả cao,” Phó Chủ tịch Võ Văn Trác nhấn mạnh.

 

Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)