Sốc trước năng lực sản xuất và tích trữ tên lửa của Nga

Google News

Năng lực sản xuất và tích trữ tên lửa của Nga ngày càng gia tăng trong bối cảnh cuộc xung đột với Ukraine đang leo thang.

Các loại tên lửa chính của Nga

Tình báo quốc phòng Ukraine ước tính, Nga hiện đang duy trì một kho vũ khí gồm khoảng 1.400 tên lửa tầm xa, với một phần đáng kể được giữ lại để sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu chiến lược. Kho vũ khí này bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm.

Soc truoc nang luc san xuat va tich tru ten lua cua Nga

Nga phóng tên lửa. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ngoài ra, Nga được cho là duy trì năng lực sản xuất từ 120 đến 150 tên lửa tiên tiến mỗi tháng, trong đó có tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, tên lửa hành trình hải quân Kalibr và tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ trên không.

Theo tình báo quân sự Ukraine, Nga hiện có khoảng 350 tên lửa hành trình Kalibr, chủ yếu được thiết kế để phóng từ tàu chiến. Tên lửa Kalibr rất cơ động và khá hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu trên bộ khi được phóng từ những bệ phóng trên biển.

Kho vũ khí của Nga cũng có khoảng 500 tên lửa chống hạm tầm trung Onyx, có tốc độ siêu thanh, đường bay linh hoạt, khiến nó trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các khí tài quân sự của hải quân Ukraine.

Bên cạnh đó, Nga được cho là sở hữu hơn 50 tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal và hơn 130 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander. Tên lửa siêu thanh Kinzhal có khả năng tránh được hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại, đã trở thành nòng cốt trong kho vũ khí tiên tiến của Moscow. Trong khi đó, tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander cũng phát huy giá trị chiến lược trong các cuộc xung đột khu vực. Iskander là tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động trên đường với tầm hoạt động tối thiểu là 50km và tầm hoạt động tối đa là 500km. Khi được trang bị hệ thống dẫn đường tự động quang học thì sai số trượt mục tiêu chỉ là 5 - 7 mét. Iskander có thể được trang bị cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình, được phóng từ hệ thống này có thể bay ở độ cao cực thấp để tránh bị phát hiện.

Các tên lửa dòng Kh làm tăng thêm sự phong phú cho kho vũ khí của Nga. Nga được cho là sở hữu hơn 400 tên lửa dòng Kh, trong đó có tên lửa hành trình tầm xa tàng hình được thiết kế để tấn công chính xác Kh-101, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-55 và Kh-35 - tên lửa chống hạm cận âm được tối ưu hóa để tấn công các tàu hải quân ở ven biển và ngoài khơi.

Sự đa dạng của các loại tên lửa cho thấy nỗ lực của Nga trong việc duy trì một kho vũ khí linh hoạt và có khả năng tấn công mạnh mẽ, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong nhiều môi trường chiến đấu khác nhau.

Theo tình báo Ukraine, mặc dù tăng cường năng lực sản xuất trong nước nhưng chương trình tên lửa của Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện từ nước ngoài như thiết bị vi điện tử tiên tiến và các vật liệu công nghệ cao khác được sử dụng trong hệ thống dẫn đường, động cơ đẩy và thông tin liên lạc. Hiện phương Tây đang thắt chặt các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ và linh kiện quan trọng của họ.

Soc truoc nang luc san xuat va tich tru ten lua cua Nga-Hinh-2

“Vũ khí không tiếng súng” đáng sợ trên chiến trường Ukraine

 

Lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của phương Tây

Mặc dù các lệnh trừng phạt đã tạo ra một số tác động đáng chú ý, nhưng vẫn không thể ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy công nghệ có nguồn gốc từ phương Tây vào Nga. Financial Times và CNN cho biết, tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik mà Moscow lần đầu tiên sử dụng để tấn công một nhà máy quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro vào tháng 11/2024, do các công ty Nga chế tạo nhưng vẫn phải sử dụng thiết bị tiên tiến có nguồn gốc từ phương Tây. Báo cáo này làm nổi bật những lỗ hổng trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt, có thể giúp Nga lách các hạn chế và duy trì nỗ lực sản xuất tên lửa.

Các quan chức quốc phòng Ukraine cho rằng Nga có thể sản xuất khoảng 40 đến 50 tên lửa đạn đạo Iskander, 30 đến 50 tên lửa hành trình Kalibr và khoảng 50 tên lửa hành trình Kh-101 mỗi tháng. Sản lượng này thể hiện năng lực tiếp tế đáng kể, cho phép Nga duy trì nhịp độ chiến đấu.

Ngoài tên lửa, Nga cũng tăng cường đáng kể sản lượng máy bay không người lái (UAV). Ở giai đoạn đầu xung đột, Nga vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nước ngoài và các quốc gia đồng minh như Iran về công nghệ UAV, nhưng sau đó Moscow đã thành lập nhiều cơ sở chế tạo UAV trong nước. Sự chuyển giao về công nghệ từ một số đồng minh đã cho phép Moscow sản xuất nhiều loại UAV khác nhau, chẳng hạn như UAV trinh sát, UAV cảm tử mang bom.

Theo các báo cáo gần đây, Nga đã bắt đầu sản xuất những máy bay không người lái tương tự như UAV Shahed-136 do Iran cung cấp tại một cơ sở ở Khu kinh tế đặc biệt Alabuga ở Tatarstan. Điều này làm nổi bật khả năng thích ứng của Moscow với các lệnh trừng phạt và khả năng vượt qua thách thức về chuỗi cung ứng bằng cách thiết lập các dây chuyền sản xuất tại địa phương.

Nga cũng sử dụng UAV mồi nhử để làm suy yếu các hệ thống phòng không của Ukraine. Những máy bay không người lái này có giá thành rẻ và dễ tiêu hủy, nhưng rất hữu ích trong việc làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa đánh chặn có giá trị của Ukraine, đồng thời tạo ra lỗ hổng để Moscow tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái tiên tiến hơn.

Sự thay đổi trong chiến lược tên lửa và UAV của Nga phản ánh cách tiếp cận ngày càng thận trọng hơn đối với cuộc xung đột. Bằng cách bảo tồn trữ lượng tên lửa quan trọng và tập trung vào các cuộc tấn công chính xác cao,  Nga dường như đang đặt mục tiêu tối đa hóa hiệu quả hoạt động của nước này trong khi giảm thiểu rủi ro do lệnh trừng phạt và hạn chế nguồn cung gây ra.

Dù các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đã làm chậm việc sản xuất vũ khí và giảm khả năng của Nga nhằm tiếp cận các công nghệ quan trọng nhưng những lỗ hổng trong việc thực thi và sự hỗ trợ liên tục của đồng minh cũng như đối tác đã cho phép Nga duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt.

Thêm vào đó, vai trò ngày càng tăng của UAV trong kho vũ khí của Nga có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn hơn trong chiến lược quân sự của nước này. Khi máy bay không người lái trở ngày càng dễ sản xuất hơn, chúng có thể bổ sung hoặc thậm chí thay tên lửa trong một số tình huống chiến thuật nhất định.

Theo Hồng Anh/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)