Kinh ngạc pháo đài phòng không biết bay của Liên Xô

Google News

Trong thế kỷ 20 các thiết kế sư Liên Xô từng lên ý tưởng về một "pháo đài" phòng không biết bay được trang bị tên lửa phòng không tiên tiến nhất vào thời điểm đó là SAM-2. 

Trong thế kỷ 20, văn phòng thiết kế Yakovlev đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp trực thăng Liên Xô bằng một số dự án máy bay trực thăng vận tải, cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo mới. Vào những năm 1960, một dự án mang mật danh VVP-6 nhằm chế tạo một máy bay trực thăng hạng nặng có khả năng trở thành một cấu phần mới của hệ thống phòng không, đã được đề xuất.
Kinh ngac phao dai phong khong biet bay cua Lien Xo
Các cấu phần chính của tổ hợp phòng không Nga S-75: tên lửa V-750 và bệ phóng SM-63. Ảnh: Topwar.ru. 
Rất đáng tiếc, không có nhiều thông tin về dự án VVP-6. Trong các nguồn thông tin không mật chỉ có một mô tả ngắn gọn về dự án và một bức ảnh duy nhất về mô hình sản phẩm. Tuy nhiên, những gì đang có cho phép phác họa bức tranh khả dĩ, cũng như đánh giá ý tưởng được đề xuất và hiểu lý do tại sao nó thậm chí không đến được giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
Dự án độc đáo
Dự án VVP-6 nhằm phát triển máy bay trực thăng đa cánh quạt có thể mang tải trọng đặc biệt. Trong khi các máy bay trực thăng khác được thiết kế để vận chuyển binh lính, vũ khí, đạn dược và trang bị kỹ thuật, thì mẫu trực thăng mới này sẽ mang theo tổ hợp tên lửa phòng không S-75 và các bệ phóng, phù hợp việc triển khai phòng không nhanh tại các hướng có nguy cơ đối phương tập kích cao.
Thân VVP-6 có tiết diện hình chữ nhật; buồng lái có hình dáng đèn lồng; bên trong thân máy bay có thể là thùng nhiên liệu và ngăn chứa hàng hóa, hoặc tên lửa; để có thể mang được tải trọng mong muốn, sáu động cơ cánh quạt độc lập đã được sử dụng tại sáu vị trí tạo ra lực nâng đáng kể. Từ góc nhìn khí động học, VVP-6 được coi là hệ thống ba trục mà ở phần đầu, phần giữa và đuôi của máy bay đặt ba đôi cánh với mỗi cánh quạt trên một cánh.
Hộp truyền động được đặt trong cánh, dưới cánh có 2 giá gắn động cơ cánh quạt. VVP-6 có sáu cánh quạt giống hệt nhau liên kết với 24 động cơ riêng biệt, được kết nối với nhau bằng hộp số đặc biệt. Tất cả các động cơ có thể được được điều khiển để thay đổi các thông số lực kéo. Dưới cánh trước và sau có bộ khung với 4 mố trong khi bay có thể thu gọn vào trong thân máy bay.
Phần trên của thân máy bay có bệ dạng hình chữ nhật để gắn bệ phóng cho tên lửa. Chiếc trực thăng có hình dáng khác thường này có thể mang và phóng sáu tên lửa S-75 hoặc biến thể tên lửa V-750 và V-755. Một số nguồn tài liệu cho rằng, tải trọng của VVP-6 cũng có thể bao gồm tên lửa dự phòng, trạm radar và các thiết bị điều khiển hỏa lực. Tuy nhiên, ảnh mô hình không cho phép xác định vị trí và cách bố trí chúng.
Kinh ngac phao dai phong khong biet bay cua Lien Xo-Hinh-2
 Mô hình duy nhất của trực thăng phòng không VVP-6. Ảnh: Topwar.ru.
Có thể giả định rằng trực thăng phòng không VVP-6 thực sự có thể trở thành khẩu đội phòng không đầy đủ. Nếu không, radar phát hiện và kiểm soát, cũng như các thành phần khác của tổ hợp sẽ phải được đặt trên một nền tảng khác. Do đó, một khẩu đội phòng không hoàn chỉnh được cho là bao gồm một số VVP-6 với các thiết bị khác nhau và các chức năng khác nhau.
Theo dữ liệu đã biết, chiều dài của trực thăng 49m; chiều rộng, có tính đến các cánh quạt khoảng 6m; trọng lượng tính toán của máy bay trực thăng (không rõ). Tùy thuộc vào loại tên lửa được sử dụng, tổ hợp có trọng lượng 13-14 tấn. Các tên lửa V-750/755 dự trữ có thể tăng gần gấp đôi tổng khối lượng tải. Khi hoàn chỉnh, trọng lượng cất cánh tối đa của VVP-6 có thể đến 45-50 tấn.
Khả năng chiến đấu của VVP-6 phụ thuộc trực tiếp vào hành trình bay và loại tên lửa được sử dụng. Tốc độ và tầm bay quyết định phạm vi triển khai sao cho trong khoảng thời gian tối thiểu có thể đến một vị trí nhất định, hạ cánh và triển khai tên lửa. VVP-6 được dùng để thiết lập hàng rào phòng không bằng hệ thống tên lửa S-75 trên đường bay của kẻ thù. Sau khi đẩy lùi cuộc đột kích và phá hủy máy bay của đối phương, VVP-6 cất cánh rút khỏi vị trí chiến đấu trong thời gian ngắn nhất, giảm nguy cơ bị trả thù.
Tùy thuộc vào loại tên lửa và phương thức hoạt động của phương tiện dẫn đường, VVP-6 có thể tấn công các mục tiêu khí động học ở cự ly tới 20-25 hoặc 40-45km và độ cao từ 3 đến 30km. Để tiêu diệt mục tiêu, một đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao nặng 190 kg được sử dụng. Tên lửa V-750 và V-755 được trang bị hệ thống điều khiển chỉ huy vô tuyến.
VVP-6 loại về mặt lý thuyết tạo cho quân đội khả năng đặc biệt và lợi thế trước kẻ thù tiềm năng. Ưu điểm chính của VVP-6 là tính cơ động cao. Ở khía cạnh này, trực thăng gắn tên lửa hoàn toàn vượt trội so với tất cả các hệ thống SAM truyền thống và hiện có - có thể chiếm lĩnh vị trí quy định nhanh hơn hệ thống phòng không S-75 trên các phương tiện tiêu chuẩn.
Với việc tăng hợp lý về kích thước và tải trọng của trực thăng, có thể duy trì tổ hợp sẵn sàng chiến đấu cao và vận chuyển thêm tên lửa. Do đó, về chất lượng hỏa lực, phi đội gồm một số trực thăng loại này hoàn toàn có thể thay thế cho khẩu đội phòng không mặt đất. Một lợi thế quan trọng của VVP-6 là chuẩn hóa tên lửa với hệ thống phòng không hiện hữu - dùng tên lửa V-750 và V-755, được sử dụng bởi các tổ hợp S-75, mà không phải phát triển tên lửa riêng cho nó.
Thiếu tính thực tiễn
Tuy vậy, trực thăng được đề xuất có kích thước và trọng lượng lớn, yêu cầu sử dụng 6 nhóm cánh quạt với 24 động cơ - một kỷ lục trong số các dự án phát triển trong nước - vô cùng khó khăn về mặt kỹ thuật và công nghệ. Về góc độ chiến thuật, trực thăng phòng không có khả năng chiến đấu cao, chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên của kẻ thù. Không quân, pháo binh và các hệ thống phòng không địch sẽ tìm mọi cách để săn lùng và phá hủy VVP-6 trong khi bay hoặc tại chỗ.
Việc xếp chồng tên lửa trên thân VVP-6 không cho phép sử dụng các bệ phóng với các góc phóng lớn, gây khó khăn cho việc săn mục tiêu và lái dẫn. Để quay tên lửa với góc tương đối lớn, cần phải xoay toàn bộ trực thăng - không phải là thao tác đơn giản, cần phải cất-hạ cánh. Nếu vận chuyển tên lửa bên trong thân máy bay đòi hỏi phải trang bị cho trực thăng một số thiết bị thích hợp để di chuyển tên lửa đến các bệ phóng.
Như vậy, VVP-6 có cả ưu điểm và nhược điểm đáng kể và kết quả là, dự án được coi là không hứa hẹn từ quan điểm sử dụng thực tế. Văn phòng Yakovlev đã không nhận được đơn đặt hàng cho sự phát triển tiếp theo; dự án đã được đưa vào kho lưu trữ - nơi nó đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Sự tiến triển trong lĩnh vực tên lửa phòng không, làm giảm kích thước và khối lượng của chúng, cũng không góp phần tái sinh dự án trực thăng phòng không.
Từ lịch sử của dự án VVP-6, có thể rút ra một số kết luận. Nó cho thấy, dựa trên các quyết định và ý tưởng, một giải pháp đặc biệt có thể được xây dựng để giải quyết các vấn đề đặt ra; các ý tưởng độc đáo thường liên quan đến sự phức tạp không thể vượt qua và kết quả là bị bỏ rơi, là không hứa hẹn. Dù sao, dự án VVP-6 xứng đáng có một vị trí riêng biệt trong lịch sử hàng không Liên Xô.
Theo Lê Ngọc/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)