Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ. Đáng chú ý, danh sách thanh tra có các "ông lớn" như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - CTCP (mã: MIE); Nhà máy Đúc Veam (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, VEAM); Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (mã: MVB); Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…
Theo đó, tại Tổng công ty Điện lực miền Nam, Bộ Công Thương sẽ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình điện. Đồng thời, thanh tra việc duy trì điều kiện của giấy phép hoạt động điện lực và hoạt động điện lực trong các lĩnh vực an toàn điện, chất lượng dịch vụ khách hàng; kiểm định thiết bị điện, dụng cụ điện. Thời gian thanh tra trong quý I và quý II/2024, thời kỳ thanh tra từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng thuộc diện bị thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, an toàn trong khai thác, chế biến than. Thời gian thanh tra trong quý III và quý IV/2024.
|
Habeco cùng loạt doanh nghiệp sẽ bị Bộ Công Thương thanh tra trong năm 2024 (ảnh: Internet). |
Trong khi đó, với Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn; hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án. Thời gian thanh tra trong quý II và quý III/2024, thời kỳ thanh tra 2022 - 2023.
Song song đó, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp – CTCP và Nhà máy Đúc Veam thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam thuộc diện bị thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
Cùng đó, theo kế hoạch Thanh tra Bộ Công Thương sẽ thanh tra một số trường trực thuộc Bộ. Trong đó, đối với Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn, ngân sách; công tác đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa, mua sắm, quản lý tài sản công; hoạt động dịch vụ và sự nghiệp có thu.
Đối với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, Bộ sẽ thanh tra về công tác chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng bị thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhiều vi phạm khi cổ phần hoá tại VEAM
Liên quan đến kế hoạch thanh tra các đơn vị vừa được công bố của Bộ Công Thương, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một trong những doanh nghiệp gây chú ý dư luận thời gian gần đây.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố gần đây về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, VEAM đã có hàng loạt thiếu sót trong quá trình thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước cũng như thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản.
Cụ thể, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa VEAM (ngày 1/7/2014) tổng số nợ VEAM phải thu là hơn 2.595 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu quá hạn dưới 1 năm là 1.404 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 1 năm gần 31 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn trên 2 năm là 7,8 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ phải thu quá hạn trên 3 năm và nợ phải thu khó đòi lần lượt là 941 triệu đồng và 210 tỷ đồng; số nợ phải thu chưa đối chiếu là 36,9 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, VEAM thực hiện không đúng việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu quá hạn, khó đòi chưa được xử lý. Mặt khác, VEAM tính lãi, miễn lãi cho các đơn vị vay thiếu cơ sở, giảm lãi suất vay thấp hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn của ngân hàng là không đúng quy định…
|
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có hàng loạt thiếu sót trong quá trình thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước cũng như thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản. |
Cùng với đó, việc Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa VEAM, gồm có hai khoản đầu tư góp vốn tại Matexim Hà Nội và Disoco là không đúng thời điểm, làm giảm giá trị doanh nghiệp. Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được cơ quan thanh tra xác định là vi phạm quy định.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, VEAM cho các công ty thành viên vay, hỗ trợ vốn không quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục vay; nhiều trường hợp vay không có phương án sử dụng vốn hiệu quả, không có hợp đồng, dẫn đến không thu hồi được, nợ tồn đọng lớn, kéo dài. Đến thời điểm thanh tra, còn 5 đơn vị nợ quá hạn số tiền 622,5 tỷ đồng và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, nguy cơ thất thoát lớn vốn của VEAM.
Trong một diễn biến liên quan khác, trước đó, năm 2018, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, công tác tổ chức cán bộ của VEAM.
Ngày 8/5/2019, Bộ Công Thương han hành kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT, theo đó đã kiến nghị chuyển Bộ Công an làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất đai. Trong đó có nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và ghi nhận tại biên bản làm việc với VEAM ngày 18/9/2018 gồm: Diện tích đất chưa có đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, chưa có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công tại tỉnh Thái Nguyên… là 1.224m2 và cơ sở nhà đất tại số 70 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TPHCM là 94m2.
Liên quan đến VEAM, ngày 18/4/2022, Bộ Công an có văn bản số 1256/BCA- CSKT tham gia ý kiến đối với nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Trong đó, Bộ Công an ý kiến: “Vụ việc liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại VEAM đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra từ năm 2018, đến nay đã khởi tố đối với 8 vụ việc sai phạm, sau khi nhập tổng cộng có 4 vụ án, với tổng số 33 bị can… Vì vậy, Bộ Công an thấy kiến nghị của Thanh tra Chính phủ như nêu trong dự thảo kết luận thanh tra là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”.