Chiều ngày 25/7, tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải, và Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức chương trình tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch hành động giảm thiểu rác thải đại dương”.
Đây là hoạt động khởi đầu với chủ đề chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trong chuỗi sự kiện nhằm thực hiện Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng về chủ đề chống rác thải nhựa.
|
TS. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, biển là một tài sản vô giá, là nơi người dân Việt Nam ngàn đời nay sinh sống và phát triển, trong đó chứa đựng rất nhiều giá trị truyền thống, văn hóa và lịch sử. Nhưng rác thải nhựa đại dương hiện nay đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam và là vấn đề toàn cầu. Việt Nam hiện đã nhận thức rõ về vấn đề này và đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các tổ chức, các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để phòng chống việc sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, phát động phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và Việt Nam phải có kế hoạch để đi tới đẩy mạnh việc thu hồi tái chế, tái sử dụng túi nilon và các sản phẩm dùng một lần.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá rất cao các tổ chức quốc tế đã tài trợ, tham gia tổ chức và có một số hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của thế giới và khu vực trong việc hạn chế rác thải nhựa đại dương.
TS. Nghiêm Vũ Khải cũng bày tỏ sự tin tưởng, tọa đàm sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ các ý kiến từ thế giới, từ khu vực và kinh nghiệm của các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam nhằm học tập, chia sẻ về các kiến thức bảo vệ môi trường.
"Việt Nam là một trong những quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Chúng ta đã xác định được tầm nhìn quốc gia về vấn đề đẩy mạnh bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa đại dương, tích cực giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, bài học về các vấn đề này với bạn bè thế giới" - TS. Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
|
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. |
|
Nhiều đại diện doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trên địa bàn huyện Cát Hải cũng đến tham dự buổi tọa đàm. |
Tại tọa đàm, ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã và đang triển khai xây dựng kế hoạch hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần giai đoạn 2019-2020.
Ông Cường nhấn mạnh, kế hoạch hành động này sẽ phấn đấu đến hết năm 2020, giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn huyện, 100% các đơn vị tổ chức nhà nước thực hành hạn chế/giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần, và ít nhất 70% cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế/giảm rác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
"Trong thời gian tới, UBND huyện Cát Hải yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, đội tàu du lịch trên địa bàn huyện cắt giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường, thực hiện ký bản cam kết hành động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa" - ông Cường khẳng định.
|
UBND huyện Cát Hải yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, đội tàu du lịch trên địa bàn huyện cắt giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường. |
Cũng tại tọa đàm, đại diện Greenhub phát biểu yêu cầu truy nguồn gốc các loại chất thải không thể tái chế trong thùng rác tại các nhà hàng trong nghiên cứu và đề nghị các công ty này phải có những trách nhiệm nhất định với môi trường chung.
Đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) chia sẻ rằng, để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng đang diễn ra, đã đến lúc rất cần có sự chung tay của các bên liên quan gồm Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong cuộc chiến này.
Đã đến lúc các doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà (Hải Phòng), nhóm ngành nghề được hưởng lợi trực tiếp từ các giá trị môi trường nhận thức được sự cần thiết phải hành động vì một “Cát Bà nói không với đồ dùng nhựa một lần”. Đây cũng chính là thông điệp của buổi tọa đàm.
Trong khuôn khổ tọa đàm, ban tổ chức cũng tổ chức cũng đã đưa các đại biểu tham quan thực địa tại Phù Long và triển lãm 5R với chủ đề “Rác thải nhựa: Biến rác thành tài nguyên” tại khu vực quảng trường của đảo Cát Bà.
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà do IUCN thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Được khởi xướng vào năm 2014, Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà là cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Thực tế cho thấy, vai trò của khối doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng đặc biệt trong các nỗ lực giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. Đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp nêu trên vẫn còn rất hạn chế, do vậy việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần là việc vô cùng cần thiết.
Theo Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh (Greenhub): Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển.