William Beebe và Otis Barton bên cạnh cầu lặn Bathysphere. Ảnh: Amusing Planet
Ảnh minh họa cầu thép Bathyspher.
Để quan sát thế giới bên ngoài, cầu lặn được trang bị 2 cửa sổ nhỏ, lắp bằng thạch anh nung chảy dày 8 cm, và một đèn chiếu được gắn phía trên một trong 2 cửa sổ đó.
William Beebe và Otis Barton sẽ chui vào bên trong quả cầu qua một lỗ nhỏ, và cánh cửa nặng 180 kg sẽ được bắt vít từ bên ngoài để ngăn rò rỉ.
Hai nhà thám hiểm người Mỹ thực hiện chuyến lặn thử nghiệm đầu tiên vào ngày 27/5/1930, ngoài khơi bờ biển Bermuda. Bathysphere được gắn vào một sợi cáp thép dài 914 mét để cầu lặn được hạ xuống vùng biển từ boong của một tàu Hải quân Anh trước đây.
Trong 4 năm tiếp theo, hai nhà thám hiểm gan dạ đã thực hiện gần 30 lần lặn xuống sâu, càng ngày càng đẩy sâu xuống dưới bề mặt. Với mỗi lần lặn sâu, sự nguy hiểm ngày càng tăng. Ngay cả một vết rò rỉ nhỏ ở độ sâu đó cũng có thể khiến một tia nước bắn vào Bathysphere xé nát xương thịt những người bên trong như những viên đạn.
Tuy nhiên, phần thưởng lại vô cùng xứng đáng với rủi ro mà đội thám hiểm phải trải qua.
Kỷ lục thế giới mới
William Beebe và Otis Barton đã quan sát thấy thế giới sự sống đa dạng đáng kinh ngạc, nhiều trong số đó chưa từng thấy trước đây. William Beebe cũng trở thành người đầu tiên quan sát thấy ánh sáng Mặt Trời dần dần mất đi màu sắc như thế nào khi đi xuống đáy sâu của đại dương.
Ông đã viết trong cuốn sách "Half Mile Down" (Lặn sâu nửa dặm) của mình rằng: "Màu xanh lục nhạt dần khi chúng tôi đi xuống, và ở độ sâu 60 mét, không thể nói nước có màu xanh lục hay xanh lam. Ở độ sâu 300 mét, tôi phải cố gắng đặt tên cho màu của nước: Xanh đen, xanh xám đậm. Thật kỳ lạ là khi màu xanh lam biến mất, nó không bị thay thế bởi màu tím - điểm cuối của quang phổ khả kiến. Ở đại dương sâu thẳm, màu xanh lam dần biến thành màu xám không tên, và cuối cùng là màu đen".
William Beebe bên trong Bathysphere. Ảnh: Amusing Planet
Những lần lặn của William Beebe đã xuất hiện trên tạp chí National Geographic số tháng 6/1931, kèm theo đó là những hình ảnh minh họa tuyệt đẹp về các loài động vật mà Beebe quan sát, được chuyển đổi trực quan từ ghi chú của Beebe thành tranh của nghệ sĩ thiên nhiên Else Bostelmann. Nhiều loài động vật trước đây chưa từng được nhìn thấy này đã được xác nhận nhiều năm sau bằng cách sử dụng nhiếp ảnh dưới nước.
Để gây quỹ cho các cuộc khám phá biển sâu, William Beebe và Otis Barton đã ký một thỏa thuận với đài NBC (trụ sở New York, Mỹ) hứa với đài truyền hình quốc gia rằng bộ đôi sẽ lặn xuống nửa dặm (800 mét) dưới bề mặt nước biển, đồng thời mô tả trực tiếp lại những gì họ thấy cho khán giả nghe đài.
Vào ngày lặn - ngày 22/9/1932, biển động bất thường, nhưng chương trình đã bắt đầu phát sóng nên hai nhà thám hiểm quyết định tiếp tục xuống biển.
Giọng William Beebe, khi anh nói vào điện thoại, được truyền qua 914 mét dây từ khoang chìm đến boong của con tàu Freedom. Từ đó, một máy phát vô tuyến di động 50 watt truyền giọng nói của ông đến trạm thu sóng tại Flatts, ở Bermuda, để phát sóng trên toàn quốc.
William Beebe và Otis Barton khi đó lặn được 792 mét khi chuyến lặn kết thúc (cách mục tiêu 800 mét một chút nữa thôi). Họ sẽ phải đợi thêm 2 năm nữa trước khi có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Vào ngày 15/8/1934, William Beebe và Otis Barton đạt được độ sâu kỷ lục 923 mét - lập kỷ lục thế giới mới thời đó.
Chính Otis Barton đã phá kỷ lục đó, 15 năm sau đó, năm 1949, trên chiếc tàu lặn mới, cải tiến mà ông gọi là Benthoscope. Otis Barton đạt đến độ sâu chưa từng có là vào thời điểm đó là 1.400 mét.
Mặc dù Bathysphere đã bị lỗi thời bởi những tiến bộ công nghệ trong vòng vài thập kỷ tiếp theo, nhưng những kỷ lục ban đầu về lặn sâu của nó vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học và nhà hải dương học về sau.
William Beebe đã đặt tên cho một số loài động vật biển sâu mới dựa trên những quan sát mà ông thực hiện trong quá trình lặn trong Bathysphere của mình, một số loài trong số đó vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay vì chúng chưa bao giờ được quan sát lại bởi bất kỳ ai khác.
Đến nay, Bathysphere được trưng bày tại Thủy cung New York ở Đảo Coney, Brooklyn, New York, Mỹ như một phần đã tạo nên lịch sử cách con người khám phá đại dương sâu thẳm.