Đây cũng là sản phẩm điều khiển giọng nói tiếng Việt đầu tiên trong thị trường nhà ở thông minh tại Việt Nam. Sản phẩm do Công ty CP Lumi Việt Nam kết hợp cùng các chuyên gia công nghệ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, phát triển.
Sản phẩm mới, loa thông minh MILO được ứng dụng công nghệ mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp người dùng điều khiển các thiết bị điện trong ngôi nhà bằng giọng nói tiếng Việt các miền Bắc, Trung hoặc miền Nam. Sản phẩm cũng được tích hợp công nghệ chuẩn truyền thông không Zigbee và Zwave, giúp thiết bị hoạt động ổn định, lâu dài.
|
Thiết kế loa điều khiển nhà ở bằng giọng nói tiếng Việt đầu tiên trên thị trường. |
Sản phẩm này có thể thay gia chủ thực hiện điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, điều hòa, thay đổi màu sắc ánh sáng đèn, mở cổng, tưới cây... bằng những câu thoại đơn giản như “Phòng tối quá!”, “Bật đèn ngủ”, “Bật bình nóng lạnh…”.
Ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Lumi Việt Nam cho biết, trong tương lai, loa MILO có thể cung cấp nhanh mọi tin tức, phát nhạc theo yêu cầu và nói chuyện với người dùng như một người bạn.
Hiện sản phẩm này đã đạt chứng chỉ CE (Châu Âu) và chứng chỉ UL (chứng chỉ bo mạch phần cứng đạt chuẩn quốc tế, cho phép xuất khẩu tới 104 quốc gia trên thế giới). Đầu năm 2018, loa thông minh Milo cũng đã được triển lãm tại triển lãm công nghệ CES 2018 ở Las Vegas (Mỹ).
Sản phẩm bắt đầu bán ra thị trường từ cuối tháng 6, có giá hơn 4,7 triệu đồng với ba màu: bạc, ghi và vàng. Theo đánh giá của nhóm kỹ sư nghiên cứu, sản phẩm có tuổi thọ trên 5 năm, có thể thu được tiếng nói gia chủ trong khoảng cách từ 4 – 6m.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành nhà ở thông minh (smarthome), sản phẩm vẫn còn một số hạn chế về bảo mật, như chưa thể phân biệt được tiếng nói của chủ nhà hoặc khách đến chơi, trẻ em hoặc người lớn…
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trên thị trường hiện cũng đã xuất hiện một số sản phẩm điều khiển nhà nhưng sử dụng các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức…
Trong khi đó, hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều âm điệu, ngữ âm và các đặc trưng về vùng miền, chưa kể các vấn đề về ngữ pháp, từ đệm, tiếng lóng… nên việc phát triển các ứng dụng nhận dạng giọng nói tiếng Việt tự nhiên có phần khó khăn hơn.
Đây cũng là những vấn đề nhóm gặp phải trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm loa điều khiển nhà ở. Tuy nhiên, sản phẩm sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng do được tự động nâng cấp hoặc do chủ nhà tiếp tục cập nhật các câu thoại mới.