Hai hãng công nghệ Samsung và Apple đã thông báo lên tòa án quận tại San Jose, California, Mỹ rằng mình “đã đi đến thỏa thuận hòa giải và dừng tất cả những tố cáo cũng như phản tố còn lại trong diện sự việc”. Theo đó, Thẩm phán Lucy Koh thuộc tòa án quận đã ký quyết định loại bỏ toàn bộ các vụ kiện hiện có giữa hai công ty, đồng thời những kiện cáo trong tương lai với cùng cáo buộc cũng không được chấp nhận. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận giữa hai bên hiện vẫn còn là bí mật.
Cuộc chiến pháp lý giữa Người khổng lồ Mỹ và Người khổng lồ Hàn Quốc không còn là điều xa lạ. “Táo khuyết” đã kiện tụng “Sammy” suốt 7 năm kể từ 2011 về thiết kế và chức năng của smartphone cũng như máy tính bảng. Điều không mấy ai nghĩ tới, đó là đối với những công ty lớn như Apple và Samsung, việc kiện tụng không hoàn toàn là vì tiền, mà quan trọng hơn đó là để gây khó dễ cho đối thủ, làm chậm quá trình nghiên cứu đột phá mới cũng như chiếm đoạt thị phần thiết bị di động.
Brian Love, trợ lý giáo sư tại Đại học Luật Santa Clara nói: “Thỏa thuận này là dấu chấm hết chính thức cho cuộc chiến bằng sáng chế này. Có lẽ giờ đã đến lúc đặt câu hỏi: Sau gần một thập kỷ kiện tụng, họ đã đạt được những gì? Tôi dám cá rằng câu trả lời là không nhiều”. Anh nói thêm rằng Apple đã kiếm được hàng trăm triệu USD tiền bồi thường từ Samsung, nhưng chưa một lần thành công trong việc loại bỏ sản phẩm của Samsung khỏi thị trường. Không chỉ vậy, thể từ khi vụ kiện đầu tiên được đệ đơn, thị phần của Android - phần mềm chạy trên smartphone Samsung - đã không ngừng tăng vọt. Tính đến thời điểm này, khoảng 85% smartphone lưu hành trên thế giới chạy Android của Google, trong khi đó Apple chỉ chiếm vỏn vẹn 15% thiết bị chạy iOS.
Trong trả lời với CNET hồi tháng 5, Apple nói:
“Chúng tôi tin tưởng sâu sắc vào giá trị của thiết kế, và đội ngũ nhân viên của chúng tôi đã làm việc không biết mệt mỏi để tạo ra những sản phẩm đột phá nhằm làm hài lòng người dùng. Vụ kiện này chưa bao giờ là vì tiền cả. Apple đã tiên phong trong cuộc cách mạng smartphone với iPhone và sự thật hiển nhiên là Samsung đã copy trắng trợn thiết kế của chúng tôi. Chúng tôi cần phải liên tục bảo vệ công sức và đột phá của hàng nghìn con người tại Apple”.
Về phần mình, Samsung từ chối đưa ra bình luận.
Nhìn lại cuộc chiến bằng sáng chế 7 năm
Phiên xét xử thứ nhất giữa Samsung và Apple hồi năm 2012 đã lấy đi không biết bao nhiêu giấy mực của báo đài cũng như giới công nghệ bởi đó là lần đầu tiên thế giới được chứng kiến những nghiên cứu nội bộ của 2 công ty công nghệ nổi tiếng là "kín miệng" nhất thế giới. Đó còn là một trong nhiều vụ án mà cả 2 đối thủ đều ngang cơ cả trên thương trường lẫn trong phòng xét xử.
Vụ xét xử quyết định phạt Samsung 1,05 tỷ USD tiền bồi thường cho Apple nhưng Người khổng lồ xứ kim chi quyết định kháng án, dẫn tới 2 phiên xét xử lại và một phiên điều trần trước tòa án tối cao về phương án quyết định vi phạm bằng sáng chế về thiết kế - vốn là một phạm trù không rõ ràng và rất khó rạch ròi.
Samsung cãi rằng các yếu tố mình vi phạm chỉ là một phần rất nhỏ của chiếc điện thoại và hãng chỉ nên phải trả tiền cho những xâm phạm đó, thay vì bồi thường toàn bộ một thiết bị. Hiểu đơn giản là: Nếu một công ty vi phạm bằng sáng chế về lốp xe, hãng không cần bồi thường toàn bộ một chiếc xe ô tô như vậy.
Về phía Apple, “Táo khuyết” tranh luận rằng 3 bằng sáng chế của mình dù chỉ bao gồm các khía cạnh về thiết kế thẩm mỹ iPhone, lại là chìa khóa khiến iPhone bán chạy cũng như hoạt động tốt và rằng 3 bằng sáng chế đó không thể bị tách rời khỏi toàn bộ thiết bị và nếu Samsung vi phạm, hãng phải bồi thường toàn bộ chiếc iPhone. Cuối cùng, tòa án đồng ý với Samsung rằng hãng chỉ cần bồi thường tiền theo từng mảng của iPhone mình đã sao chép và tại phiên xét xử gần nhất hồi tháng 5, Samsung đã phải trả cho Apple 539 triệu USD tiền vi phạm bằng sáng chế với các thiết bị chạy Android của mình bán ra từ thời điểm 2010 tới 2011. Cộng thêm với khoản 548 triệu USD Samsung đã bồi thường nhiều năm trước, tổng thiệt hại nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc phải chịu lên tới hơn 1 tỷ USD.
Giá trị của bảo hộ sáng chế về thiết kế thẩm mỹ
Với việc giảng hòa, Apple và Samsung đã quyết định đặt mọi thứ lại phía sau thay vì cứ tiếp tục “làm khổ nhau” qua hàng chục phiên xét xử và kháng án. Nhưng suy cho cùng, bằng sáng chế về thiết kế có giá trị đến đâu, để khiến Apple và Samsung theo đuổi kiện tụng tới gần một thập kỷ?
Năm 2012, HTC đồng ý trả phí bản quyền hàng quý cho Apple và hứa sẽ không sản xuất điện thoại giống iPhone nữa. 2014, Apple cũng đã đạt được một thỏa thuận với Google, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên về vấn đề sở hữu trí tuệ. Bằng sáng chế thiết kế, giờ đây, có thể coi như một vũ khí lợi hại đe dọa các đối thủ
“Công ty sở hữu bằng sáng chế thiết kế sẽ có thể đe dọa các đối thủ của mình với một khoản tiền bồi thường khổng lồ, bất kể độ mạnh của bằng sáng chế cũng như giá trị tổn thất mà họ cáo buộc là bao nhiêu”, giáo sư lauajt Sara Burstein cho hay.