Đã quá nhiều vụ việc sàm sỡ phụ nữ, trẻ em diễn ra trong thời gian gần đây khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cái kết của những tên biến thái là bị dư luận lên án, xã hội khinh rẻ, bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đó chưa đủ để răn đe cảnh tỉnh những kẻ biến thái khác tiếp diễn hành vi tương tự.
Mới đây, một nam thanh niên đã có hành động sàm sỡ, sờ vào vùng nhạy cảm của một cô gái đang đứng phơi đồ tại khối phố Mỹ Thạch Đông (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là minh chứng rõ ràng nhất.
Những vụ sàm sỡ trẻ em, phụ nữ trong thang máy, trong máy bay, nơi công cộng xảy ra vừa qua, dư luận ngoài việc lên án hành vi của những kẻ biến thái đã mổ xẻ nguyên nhân, hậu quả cũng như những tồn tại trong quá trình xử lý của các cơ quan chức năng liên quan những vụ việc trên.
|
Nam thanh niên giở trò sàm sỡ cô gái đang phơi quần áo tại Quảng Nam. |
Bên cạnh những nguyên nhân như đạo đức xuống cấp trong khi đó việc giáo dục nhân cách chưa được chú trọng thì hiện luật pháp hiện hành vẫn đang còn lỗ hổng trong việc xử lý đối với hành vi sàm sỡ như mức phạt hành chính với hành vi này đưa ra từ 100.000 - 300.000 đồng, trong đó những vụ sàm sỡ thời gian gần đây đa số là phạt 200.000 đồng được cho là không đủ sức răn đe, khiến các đối tượng nhờn luật. Và chính khoảng trống pháp lý này đã khiến nhiều kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong khi đó lại không đủ khiến những kẻ khác sợ hãi để không tái diễn hành vi vi phạm, gây bức xúc trong dư luận và khoét sâu thêm nỗi đau của những nạn nhân bị sàm sỡ.
Một nguyên nhân đáng quan tâm nữa chính là sự thiếu hiểu biết về kỹ năng sống cũng như pháp luật của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em. Họ thường hay chủ quan khi ở nơi công cộng mà không có biện pháp phòng tránh những kẻ biến thái và thường không trong tâm lý sẵn sàng phòng ngữa ở nơi ít người dẫn đến những kẻ biến thái có cơ hội ra tay. Nhiều nạn nhân của những vụ sàm sỡ vẫn còn tâm lý e ngại trong việc tố cáo những hành vi bị sàm sỡ.
Hơn nữa, những vụ sàm sỡ nếu ở khu vực công cộng, ít người mà không có camera ghi lại thì khó có thể có chứng cứ để nạn nhân có thể tố giác các đối tượng ra cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật trọng chứng hơn trọng cung, tất nhiên để làm sáng tỏ và xử lý nghiêm những hành vi sàm sỡ cần phải có chứng cứ mà phải là chứng cứ hiện hữu.
Trong khi đó, những kẻ biến thái thường có tâm lý và hành động một cách bệnh hoạn, theo bản năng, trong đó đa số là thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu bản lĩnh, kỹ năng sống nên không thể vượt qua được những hành động thấp hèn trước sự cám dỗ của hoàn cảnh.
Do vậy chỉ vì ham muốn dục vọng thấp hèn của bản thân, các đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp thuần phong mỹ tục, đạo đức để thực hiện các hành vi sàm sỡ một cách biến thái.
Thực tế chỉ vì vài giây hành động thiếu suy nghĩ, không có bản lĩnh làm chủ bản thân, các đối tượng đã phải trả giá vô cùng đắt. Nhiều đối tượng như Đỗ Mạnh Hùng bị xử phạt hành chính mức 200.000 đồng do sàm sỡ cô gái trong thang máy thì cũng có đối tượng phải chịu án phạt tù như cựu Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh.
Tuy nhiên, cái giá phải trả không chỉ là ở mức án mà chính là sự nhục nhã trong suốt quãng đời còn lại khi bị dư luận lên án, người thân khinh rẻ, một vết nhơ khó có thể gột rửa. Đó là những bản án lương tâm nặng nề nhưng xứng đáng với những kẻ biến thái. Bởi những hành vi của chúng gây ra đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nạn nhân, đặc biệt là các trẻ em, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ những vụ sàm sỡ liên tiếp xảy ra dù trước đó nhiều đối tượng đã phải trả giá đắt cho thấy, để hạn chế những vụ sàm sỡ, xâm hại trẻ em, ngoài việc tuyên truyền dạy kỹ năng cho trẻ em, phụ nữ cũng cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho những đối tượng nam giới, nhất là những đối tượng có suy nghĩ lệch lạc, thường xuyên có những hành vi lệch chuẩn.
Bởi trên thực tế, pháp luật sinh ra để răn đe các ý thức phạm tội nhưng đạo đức và văn hóa mới là gốc rễ để không nảy sinh những hành vi phạm tội. Khi đạo đức, văn hóa trong con người xuống cấp thì dù có quy định pháp luật họ vẫn vi phạm mà không hề có sự ăn năn, hối hận. Như vậy, chỉ có văn hóa mới uốn nắn được tư tưởng đạo đức của con người, khi tư tưởng đạo đức của họ tốt thì nhận thức của họ được nâng lên và không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.