"Đường sá xấu thế này, chỉ đòi hỏi đóng số tiền vài triệu để bảo trì đường, đã kêu ầm lên".
(Kienthuc.net.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng phí bảo trì đường bộ quá cao và phí chồng phí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu câu hỏi: Sao không hỏi người dân, tiền ở đâu mua ô tô.
Trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện được tổ chức sáng nay (27/3 bàn về việc hiệu quả thực hiện các giải pháp tăng cường lập lại trật tự giao thông trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo Hà Nội đã thẳng thắn nêu quan điểm về việc thu một số loại phí giao thông được dư luận quan tâm.
|
Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị |
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng, việc hạn chế ôtô cá nhân cách đây 10 năm thành phố đã nghĩ tới nhưng nay mới triển khai và sẽ chạm tới lợi ích cá nhân.
Trong Nghị quyết 34 cách đây 10 năm, có gói 8 giải pháp, khi đó cơ chế phát triển vận tải hành khách công cộng đề lên hàng đầu, là tăng số lượng xe buýt.
Tuy nhiên, ông Nghị cho biết: "Đến hôm nay, chúng ta đã tăng đến mức không thể tăng thêm được nữa, nếu như không giảm một cách tương ứng số lượng xe cá nhân, tăng thêm xe buýt nữa thì càng tăng thêm ùn tắc".
“Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm. Quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc nào đó người có xe cá nhân được thực hiện quyền “không đi được” (đường sá chật quá, nhiều xe quá, không đi lại được - PV) - ông Nghị bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó nói về việc thu phí bảo trì đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng phí quá cao và phí chồng phí, Bí thư Nghị nhận định: Sao không hỏi người dân mua ôtô thì tiền ở đâu?
“Đường sá xấu thế này, chỉ đòi hỏi đóng số tiền vài triệu để bảo trì đường, đã kêu ầm lên”.
|
Tất cả vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông... |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Thành phố đang có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô”.
"Việc xây dựng phương án tổ chức kiểm soát bằng cổng hay vé lưu hành vào nội đô là bài toàn rất khó vì đô thị trung tâm rất nhiều ngõ ngách”, ông Thảo nhận định.