Ngày 12/5, Công an tỉnh Hà Giang cho biết vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) tiếp nhận đối tượng Thào Mý Say bị truy nã đặc biệt do phía Trung Quốc bắt giữ và bàn giao.
|
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an tiếp nhận đối tượng truy nã đặc biệt Thào Mý Say (người đứng ở giữa, mặc quần áo bảo hộ) từ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Công an Hà Giang cung cấp). |
Theo cơ quan công an, Thào Mý Say (SN 1982, ở xã Thắng Mố, huyện Yên Minh, Hà Giang) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang truy nã đặc biệt về hành vi ''Giết người''.
Trước đó, ngày 25/10/2020, do mâu thuẫn nhỏ và mê tín dị đoan, Thào Mý Say và Thào Mý Chơ đã ra tay đánh chết người em ruột của mình là Thào Mý Sùng. Sau khi gây án, Say đưa vợ con bỏ trốn; còn Thào Mý Chơ bị bắt và bị Toà án nhân dân tỉnh tuyên phạt 15 năm tù giam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc loại đặc biệt nguy hiểm và tổ chức truy bắt Thào Mý Say. Sau hơn 1 năm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện Say đang lẩn trốn ở Trung Quốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp với Cục đối ngoại - Bộ Công an trao đổi, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp, bắt giữ thành công.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) đánh giá: “Hành vi Thào Mý Say và Thào Mý Chơ ra tay tàn nhẫn, đánh chết em út Thào Mý Sùng vì cho rằng trong người Thào Mý Sùng “có ma” thể hiện sự man rợ, tàn ác và đặc biệt là thiếu hiểu biết về pháp luật trầm trọng của cả hai anh em.
Với hành vi này, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội giết người, Thào Mý Say và Thào Mý Chơ có thể phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu Thào Mý Sùng dưới 16 tuổi. Còn nếu Thào Mý Sùng từ đủ 16 tuổi thì mức phạt tù có thể được áp dụng đối với Thào Mý Say và Thào Mý Chơ là từ 7 năm đến 15 năm”.
Từ vụ việc đau lòng này, luật sư Hoàng Tùng khuyến cáo: “Vấn đề mê tín dị đoan vẫn luôn là một tiêu cực, tệ nạn mà Đảng và Nhà nước ta mạnh mẽ đấu tranh và phòng chống. Mê tín dị đoan là việc có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có thật hoặc không có căn cứ để chứng minh, dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về sức khỏe, thời gian, tài sản và thậm chí cả tính mạng.
Hiện tượng mê tín dị đoan xuất hiện phổ biến trong cộng đồng dân cư các quốc gia, không chỉ ở Việt Nam. Và điểm khác biệt duy nhất giữa vấn đề mê tín dị đoan ở các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau là ở mức độ và phạm vi ảnh hưởng của chúng.
Thào Mý Say và Thào Mý Chơ chỉ vì suy nghĩ chủ quan của cá nhân, không có căn cứ chứng minh được vấn đề đã vội vàng ra tay sát hại chính em út trong gia đình, gây ra tội ác không thể dung thứ cùng với hậu quả không thể nào khắc phục được. Thào Mý Say và Thào Mý Chơ đã có xu hướng mê tín dị đoan, tin vào những điều phù phiếm.
Song, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã như “chất xúc tác” khiến cho hành vi phạm tội xảy ra. Trước đây, đã có những vụ án giết người liên quan tới vấn đề mê tín dị đoan như: Vụ án luyện “Thiên linh cái” cuối thập niên 1990 tại tỉnh Đồng Tháp; Vụ án sát hại con trai 05 tháng tuổi tại Thanh Hóa vào năm 2011 do thầy bói phán “tương lai mịt mù”; Vụ án sát hại hàng xóm vì nghi ngờ hàng xóm làm “ma Ngũ Hải” để hại con mình tại Hà Giang vào năm 2021,… Có thể thấy, đa số những vụ án có sự xuất hiện của yếu tố mê tín dị đoan đều xảy ra ở những vùng dân tộc thiểu số, những nơi còn khó khăn về kinh tế - xã hội.
Những trường hợp như trên thực sự khiến cho cá nhân luật sư cảm thấy vừa “đáng thương” lại vừa “đáng trách”, bởi các đối tượng phạm tội còn quá ngây thơ, thiếu hiểu biết pháp luật, đôi khi thực hiện tội phạm mà không nhận thức được mình đang thực hiện tội phạm.
Tín ngưỡng là một sự tuyệt vời và thiêng liêng mà chúng ta cần tôn trọng và duy trì nó trong đời sống hàng ngày. Tuy vậy, ranh giới giữa mê tín và tín ngưỡng là rất mong manh, mỗi cá nhân chúng ta cần phải giữ được sự tỉnh táo cũng như những hiểu biết pháp luật cơ bản”.
''Để nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về pháp luật, đặc biệt là những cá nhân thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số, những người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn nghèo nàn và hạn chế trong việc tiếp cận với kiến thức pháp luật, Đảng và Nhà nước ta cần mạnh mẽ và khẩn trương hơn nữa trong việc hệ thống hóa việc tuyên truyền, phổ cập kiến thức pháp luật tới các nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm một số loại tội phạm liên quan tới mê tín dị đoan hoặc đơn giản hơn là bổ sung tình tiết, yếu tố mê tín dị đoan trở thành một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự'', luật sư Hoàng Tùng bày tỏ quan điểm.