Thấy gì sau kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội?

Google News

"Nên tổ chức họp bất thường, hoặc các kỳ họp ngắn để giải quyết ngay vấn đề cuộc sống đặt ra", đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

“Tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp bất thường trở thành hoạt động bình thường của Quốc hội, đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.

Trong 4,5 ngày làm việc, 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến. Các quyết định quan trọng được thảo luận, thống nhất với tỷ lệ tán thành cao. Nhìn lại kỳ họp bất thường lần đầu được tổ chức trong lịch sử Quốc hội, các đại biểu cho rằng đây là tiền lệ tốt và cần được phát huy.

Họp ngắn nhưng hiệu quả

Đánh giá cao việc lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức kỳ họp bất thường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh việc này cho thấy công tác lập pháp rất kịp thời, đáp ứng ngay yêu cầu cuộc sống đặt ra chứ không phải vì các thủ tục về hành chính mà bắt cuộc sống chờ đợi để thay đổi.

Thay gi sau ky hop bat thuong dau tien cua Quoc hoi?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Hồng Phong.

“Kỳ họp rất ngắn nhưng hiệu quả, giải quyết ngay được những vướng mắc trong cuộc sống nên trong tương lai, rất cần thiết thay đổi cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội, không nhất thiết họp 2 lần mỗi năm và kéo dài, mà có thể tổ chức họp bất thường, hoặc các kỳ họp ngắn để giải quyết ngay vấn đề cuộc sống đặt ra”, ông Cường nêu quan điểm. Theo ông, việc này còn giúp các đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn với vấn đề đặt ra trong kỳ họp.

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung đầu tiên được đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua chỉ sau một buổi thảo luận tổ và 1,5 buổi thảo luận trực tuyến trên hội trường.

Với thời gian thảo luận và tiếp thu, chỉnh lý đều “cấp tốc”, việc Quốc hội thông qua nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận cao cho thấy quyết tâm mạnh mẽ về việc ban hành chính sách “cứu” nền kinh tế.

Với gói chính sách phân chia rõ nguồn lực cho từng lĩnh vực, theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), nó sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, đảm bảo hỗ trợ an sinh và hỗ trợ doanh nghiệp đúng đối tượng, mục tiêu. Bên cạnh đó, việc này còn có tác dụng tránh phân tán nguồn lực hoặc dồn nguồn lực vào kênh đầu tư không phản ánh thực chất thực tế quy luật cung cầu.

Thay gi sau ky hop bat thuong dau tien cua Quoc hoi?-Hinh-2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng). Ảnh: Hồng Phong.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) kỳ vọng gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế khi thực thi phải mang tính chất cởi trói, tạo cơ chế, động lực người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế phải song hành với nhau.

Tiền lệ tốt cần phát huy

Cùng với gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong phiên họp ngắn bất thường lần này, Quốc hội còn thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Một luật sửa 9 luật - vốn là nội dung vô cùng phức tạp, có phạm vi rộng, điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau, nhưng lần này được gói gọn xem xét, thảo luận và thông qua theo quy trình rút gọn trong một kỳ họp.

Thay gi sau ky hop bat thuong dau tien cua Quoc hoi?-Hinh-3

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ảnh: Hồng Phong.

Đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự cẩn trọng với những nội dung chưa được đánh giá tác động kỹ. Điển hình như việc sửa đổi Luật Nhà ở khi bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Quy định này nếu không đánh giá kỹ có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách.

Vì chưa đạt đồng thuận cao nên nội dung này được để lại tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.

"Việc thông qua một luật sửa 9 luật trong một kỳ đã vượt qua tư duy cải cách thể chế nhằm giải quyết ngay vướng mắc trong thực tiễn", Đại biểu Phan Đức Hiếu

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng việc thông qua một luật sửa 9 luật trong một kỳ đã vượt qua tư duy cải cách thể chế nhằm giải quyết ngay vướng mắc trong thực tiễn. Theo ông, đây là tiền lệ tốt và cần được phát huy.

Tuyến giao thông huyết mạch cao tốc Bắc - Nam được ví như trục xương sống của cả nước, song với những vướng mắc trong triển khai giai đoạn 1 khi rất khó thu hút đầu tư PPP, lần này Quốc hội cấp bách thông qua chủ trương đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2 với sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km cao tốc.

Bên cạnh đó, 6 cơ chế đặc thù thí điểm phát triển thành phố Cần Thơ được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Ngoài 4 nội dung quan trọng nằm trong chương trình, kỳ họp bất thường lần này còn xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm, tiêu cực trong phòng, chống dịch nói chung và tại Công ty Việt Á.

Đây cũng là một điểm đặc biệt khi một vụ việc cụ thể được Quốc hội yêu cầu báo cáo bổ sung ngay trong kỳ họp bất thường kéo dài chỉ 4,5 ngày.

Thay gi sau ky hop bat thuong dau tien cua Quoc hoi?-Hinh-4

Các đại biểu Quốc hội Trung ương và đoàn ĐBQH Hà Nội họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồng Phong.

Nghị quyết kỳ họp bất thường được Quốc hội thông qua cũng thể hiện rõ quan điểm về việc này khi cơ quan lập pháp đề nghị quyết liệt mở rộng điều tra việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, cấp phép lưu hành, tổ chức sản xuất và mua bán kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất của vụ án; xử lý nghiêm sai phạm.

Theo Hoài Thu/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)