Mới đây, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 3 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế và Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học & Công nghệ.
Đáng chú ý, theo Cơ quan điều tra, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học & Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 4/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 4/12/22020) sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
|
Các bị can lần lượt: Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Nam Liên; Trịnh Thanh Hùng. |
Trách nhiệm của Bộ KH&CN và Bộ Y tế thế nào?
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ liên quan vụ Việt Á có trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Theo đại biểu Hòa, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia về khoa học, để thẩm định chất lượng sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19.
“Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này gần 19 tỷ đồng. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ này. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải chịu trách nhiệm khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, cho rằng bộ kit test này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Nói về trách nhiệm Bộ Y tế, đại biểu Hòa cho rằng, trách nhiệm của Bộ Y tế chính là vấn đề giá kit xét nghiệm COVID-19.
“Tại sao Bộ Y tế có văn bản đưa ra mức giá trần 470.000 đồng/bộ? Trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ra sao? Cán bộ y tế vi phạm đấu thầu, đấu giá mua sắm trang thiết bị y tế, trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào về mặt chuyên môn và quản lý nhà nước?”, đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Ông Hòa đồng tình việc cần thiết phải báo cáo Quốc hội về vấn đề này tại kỳ họp bất thường. Vụ việc “thổi giá” của Công ty Việt Á, cần có báo cáo giải trình, làm rõ từ các bộ liên quan.
|
Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á
|
Cần làm rõ có mối liên hệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế với công ty Việt Á hay không?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công an cho thấy, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học & Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020), cấp phép đăng ký lưu hành chính thức (theo Quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/22020) sản phẩm Kit xét nghiệm Covid- 19, việc hiệp thương giá sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của công ty Việt Á, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng của các kit test xét nghiệm này và cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực xảy ra ở một số địa phương. Bởi vậy, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ có mối liên hệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế với Công ty Việt Á hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, với một doanh nghiệp không tên tuổi, số vốn không đáng kể như Việt Á nhưng trong một thời gian ngắn đã phát triển nhanh chóng, vươn "vòi" bán hàng đến 62 tỉnh, thành trong cả nước, doanh thu đến 4000 tỷ đó là một kỳ tích bất thường của một doanh nghiệp ở Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức từ những người có chức vụ, quyền hạn, có uy tín, một doanh nghiệp mới thành lập, mới hoạt động như vậy rất khó có thể có những mối liên hệ, phát triển nhanh chóng, thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn như vậy.
Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan điều tra là phải làm rõ có thể lực nào chống lưng cho doanh nghiệp này hay không, vì sao doanh nghiệp này lại có thể phát triển nhanh chóng và hành vi sai phạm xảy ra ở nhiều địa phương đến như vậy?
Luật sư Cường cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đối với chất lượng của vật tư y tế này, làm rõ hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra như thế nào, quy trình kiểm nghiệm, xét duyệt, công bố được thực hiện như thế nào, kết quả nghiên cứu ra sao, ai là người thụ hưởng thành quả nghiên cứu đó để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thất thoát, thiệt hại đến tài sản của nhà nước cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
“Chất lượng của vật tư y tế này cũng là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến thành quả phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ tiêu chuẩn chất lượng của bộ kit xét nghiệm COVID-19 này. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật nhưng lại đưa ra thông tin gian dối để được sử dụng, thu tiền của người dân còn có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 BLHS năm 2015. Trường hợp người có chức vụ quyền hạn mà lợi dụng chức vụ quyền hạn cấp những giấy tờ giả mạo, không đúng chức năng, không đúng thẩm quyền, không phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm có thể bị xử lý về tội giả mạo trong công tác”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Ngoài ra, cần làm rõ chi phí để nghiên cứu đối với sản phẩm này do nguồn nào cung cấp, hoạt động nghiên cứu của nhà nước được triển khai như thế nào, kết quả thành quả nghiên cứu do ai hưởng thụ. Trong trường hợp có sai phạm làm thất thoát vốn đầu tư, chất xám của nhà nước cũng sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm trong công tác quản lý, trách nhiệm trực tiếp của các cán bộ có liên quan trong việc nghiên cứu, xét duyệt, công bố, kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm này là cần phải làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án.
“Những vấn đề mà dư luận đã nêu ra, cơ quan điều tra đã phát hiện đối với công ty Việt Á có lẽ chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, đằng sau sự việc còn rất nhiều vấn đề cần phải xác minh làm rõ để giải quyết triệt để vụ án trên tinh thần không oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tổ chức, cá nhân nào sai sót đến đâu phải xử lý đến đó theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường cho biết.
Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về vụ Việt Á tại kỳ họp bất thường
Ngày 4/1/2022, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Tại cuộc họp báo chiều 30/12/2021, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ sẽ có báo cáo liên quan tới việc sử dụng ngân sách mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch, trong đó có vụ việc Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm.
Trước đó, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: