Chiều 28/5, sau khi nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận tại tổ về nội dung này. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là làm sao để ngăn những đối tượng tình nghi phạm tội bỏ trốn sau các trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và gần đây là Bùi Quang Huy - ông chủ Nhật Cường Mobile.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chiều 28/5, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Hiển có nhiều góp ý chi tiết vào quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trong dự thảo quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh được nêu trong dự thảo luật như bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
|
Ông chủ Nhật Cường Mobile - Bùi Quang Huy bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố vụ án. |
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng quy định này “vừa thừa, vừa thiếu”, dự thảo đưa ra 2 phương án về các chức danh được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu phổ thông và quy định chung nhưng đều không hợp lý.
“Vừa qua dư luận nói rất nhiều và rất bức xúc với nhiều trường hợp không nằm trong trường hợp này. Ví dụ, có những vụ án vừa rồi xảy ra như Trịnh Xuân Thanh, Nhật Cường Mobile thì rõ ràng những trường hợp này họ chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Trong tình huống này rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng như thế thì người ta vẫn xuất cảnh, vẫn trốn đi được”- Đại biểu Hiển nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm như vậy.
“Trong rất nhiều trường hợp, rõ ràng không có đơn tố giác nhưng trong quá trình điều tra, xác minh, các cơ quan tố tụng làm chính xác, biết được đối tượng đang vào vòng tình nghi. Cơ quan thẩm quyền trong tình huống cụ thể xem xét, có biện pháp hạn chế xuất cảnh với những trường hợp này là hoàn toàn cần thiết”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, về mặt pháp lý chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh thì chắc chắn sẽ trốn, trốn thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ luỵ mà dư luận vô cùng bức xúc.
“Các cơ quan có thẩm quyền trong tình huống cụ thể cần xem xét biện pháp hạn chế xuất cảnh, đó là việc hoàn toàn cần thiết”, ông Hiển góp ý vào dự thảo luật.
Ở một góc độ khác, ông Hiển nêu quy định trong dự luật chỉ cần một công dân đưa đơn tố giác, dù chưa xác minh đủ chứng cứ phạm tội, thì đã ngăn người nào đó xuất cảnh, như vậy không đúng.
“Cơ quan có thẩm quyền phải kết luận rằng tố giác này có căn cứ hay không, lúc đó chúng ta mới áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh. Nếu quy định như thế này thì rộng quá và thừa”, ông Hiển nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Quý - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, những trường hợp dư luận bức xúc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần và Xơ sợi Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí VN) hay ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn đã cho thấy đang thiếu những chế tài, không có quy định của luật, chưa có quyết định của người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề đó trong thực tiễn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Đồng Nai) đánh giá Dự án Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Ông Hạ lấy ví dụ, như trường hợp một số tội phạm nước ngoài mà nổi lên là vụ tội phạm ấu dâm Anh vẫn được phép nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam và đề xuất phải nghiên cứu chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc các loại tội phạm lợi dụng Việt Nam để tiếp tục hành vi phạm tội của mình.
Về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đề cập trong tờ trình, ông Hạ cho rằng quy định còn chưa chặt chẽ.
"Với những kẻ phạm tội, tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, khi có dấu hiệu đang ở trong quá trình xử lý, điều tra nhưng chưa có quyết định khởi tố, luật phải quy định ngăn chặn thế nào? Ví dụ như trường hợp của Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, hay vụ Vũ 'nhôm' trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile", Đại biểu Hạ nói và cho rằng, điều này có thể liên quan tới quyền công dân nhưng khi đã có luật xuất nhập cảnh thì phải có quy định để ngăn chặn, ngăn ngừa các trường hợp như vậy.
"Nếu như được, Luật phải hạn chế được những đối tượng đó về quyền công dân trong việc xuất cảnh", Đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những đối tượng nêu trên thực tế đã nằm trong các chuyên án. Và việc đã đưa vào diện điều tra mà lại thả lỏng thì "không chấp nhận được".
“Những trường hợp này khi đã làm chuyên án rồi thì chúng ta phải có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi, phải dự phòng các trường hợp để cấm xuất cảnh, tại sao vẫn để bỏ trốn”?, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Từ thực tế đã nêu, ông Nhưỡng cho rằng dự luật cần có sự bổ sung để khỏa lấp hết các tình huống. Theo đó, tới đây, tất cả đối tượng liên quan đến vụ án đang được xem xét, điều tra thì phải cấm xuất cảnh, ngăn việc bỏ trốn.
“Có dấu hiệu rồi mà đi không biết, đây là sơ hở to lớn khiến Nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra sự không tin tưởng của dư luận”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.