Ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc cá chết hàng loạt trên sông La Ngà.
Công văn nêu rõ, vừa qua có hiện tượng cá chết số lượng lớn trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở khẩn trương xác định nguyên nhân cá chết và triển khai các biện pháp xử lý triệt để.
Phó Thủ tướng lưu ý trường hợp nguyên nhân cá chết là do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
|
Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà. Ảnh: Vnexpress.net |
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải lớn ra sông La Ngà, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư tố cáo của nhân dân.
Tiến hành thu gom, xử lý cá chết kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2019.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động bám sát tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Trước đó, từ ngày 16/5 đến nay, cá nuôi ở các lồng bè trên sông La Ngà lại bất ngờ chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Ngày 22/5, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Huỳnh Thành Vinh đã làm việc với UBND huyện Định Quán và hai xã La Ngà, Phú Ngọc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt tại các bè nuôi trên sông La Ngà.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến cá nuôi bè trên sông La Ngà chết hàng loạt vừa qua là do biến động bất lợi về môi trường: lượng mưa lớn và kéo dài đã cuốn tất cả vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm thấp, chất rắn lơ lửng cao, làm tăng độ đục của nước, gây ảnh hưởng đến hô hấp của cá dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Theo đó, thời điểm cá chết, mực nước tại sông La Ngà rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi. Trong khi đó, mật độ bè nuôi đậu dày cũng dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế. Kết quả điều tra hiện trường cho thấy, một số loài cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở nhiều loài và kích cỡ khác nhau vào ngày 16/5 không có dấu hiệu bất thường của bệnh nhiễm khuẩn; không do các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.