Phát hiện đột biến gene trên mẫu bệnh phẩm COVID-19: Mắt xích kiểm soát dịch bệnh

Google News

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm COVID-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.

Đột biến gene trên mẫu bệnh phẩm COVID-19
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm COVID-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)”.
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, dữ liệu B.1.617.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biên mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.
Phat hien dot bien gene tren mau benh pham COVID-19: Mat xich kiem soat dich benh
 Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên họp Chính phủ sáng 29/5 đã thông tin chủng phổ biến hiện nay tại Việt Nam là chủng Ấn Độ đã có các dấu hiệu tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước.
GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà học học trên toàn cầu cập nhật liên tục; bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2.
3 mắt xích kiểm soát dịch bệnh
Vấn đề dịch bệnh SARS-CoV-2 đang trở nên nguy hiểm, trả lời trên báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, các vi rút nói chung và vi rút SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gen, nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gen di truyền so với bộ gen ban đầu của vi rút, điều này được gọi là đột biến gen.
Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình vi rút sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gen của vi rút có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn. Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của vi rút SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của vi rút, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp vi rút có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.
Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi rút/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.
Phat hien dot bien gene tren mau benh pham COVID-19: Mat xich kiem soat dich benh-Hinh-2
GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.
Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 03/2020 từ những công nhân từ nước ngoài về, tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.
Như vậy, các biến thể đáng quan ngại xuất hiện, lưu hành thì sau 1 thời gian sẽ xuất hiện ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, làm cho công tác dự phòng và kiểm soát càng đòi hỏi ở mức cao hơn nữa.
Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, cần tập trung vào 3 mắc xích: Một là nguồn lây nhiễm, hai là đường lây truyền, ba là người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa những mắc xích còn lại.
Đối với việc bảo vệ người cảm nhiễm bằng vắc xin, hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vắc xin cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng. Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.
Đối với nguồn lây nhiễm, hiện nay, nước ta đã kiểm soát chặt chẽ các ca nhập cảnh theo đường chính ngạch, tuy nhiên, việc kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là với những đối tượng chỉ quá cảnh qua Việt Nam, nếu không phát hiện được sẽ hoàn toàn mất dấu, khó kiểm soát nguồn lây; chưa kể việc không tuân thủ trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, là có thể xuất hiện các trường hợp F0, đặc biệt, khoảng 60% trường hợp mang vi rút, không có biểu hiện bệnh, không biết mình mang vi rút đi lại sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan và khó phát hiện.
Với các ca F0 phát hiện trong cộng đồng, chúng ta đã ngay lập tức điều tra, truy vết, khoanh vùng và cách ly người tiếp xúc (F1). Theo nghiên cứu, để kiểm soát phần lớn ổ dịch, khi chỉ số lây nhiễm cơ bản (Ro) là 2,5, cần phải truy vết ít nhất 70% tổng số người tiếp xúc; còn khi Ro là 3,5 cần phải truy vết ít nhất 90% tổng số người tiếp xúc. Nếu biến thể mới, có thể lây nhiễm đến 7 người khác, thì việc truy vết, phải ở mức cao hơn nữa.
Do đó, việc giám sát toàn diện, phát hiện và “thần tốc, thần tốc và thần tốc” chủ động tấn công, không để sót ca nào. Thực tế cho thấy, nếu giải quyết được triệt để F0 và F1 trong vòng 24 giờ thì sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội lây lan thứ cấp tiếp theo.
Đối với cắt đứt đường lây truyền: Dù các biến thể hiện nay gây lây lan nhanh, cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của SARS-CoV2. Việc cách ly, giảm sự lây lan vi rút là từ đeo khẩu trang, giảm khoảng cách, cách ly kiểm dịch, cách ly y tế cho đến giãn cách xã hội.
Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) là người khoẻ, do đó việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng; nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì có tác dụng ngược, vì những người nguy cơ cao tiếp xúc thì dễ lây cho nhau.
Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu mỗi người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Đeo Khẩu trang - Khử khuẩn - Giữ Khoảng cách an toàn - Không tập trung - Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Tiêu điểm: Vaccine COVID-19 và cuộc chiến nhận thức

Nguồn: VTV

*** Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)