Mạng xã hội Facebook mới đây xôn xao hình ảnh nam thanh niên đang xuống tóc với nụ cười tươi rói, kèm theo chú thích "sẵn sàng lên đường vào tâm dịch". Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng.
Nam thanh niên đó là bác sĩ Đặng Minh Hiệu, khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Bác sĩ Hiệu là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Đặng Minh Hiệu, khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Đến tâm dịch chăm sóc F0
Chiều 29/5, PV VTC News liên hệ với bác sĩ Đặng Minh Hiệu qua số điện thoại cá nhân. Như chính nụ cười của anh trong bức ảnh gây "sốt", cách nói chuyện của nam bác sĩ trẻ khiến người đối thoại cảm nhận được nhiều năng lượng tích cực.
Bác sĩ Hiệu cho biết, lý do anh quyết định cạo trọc đầu trước khi vào tâm dịch đó là "để bản thân có cơ thể khoẻ mạnh - gọn gàng - tươi mới". Bởi theo kế hoạch, sau khi đến Bắc Giang anh sẽ trực tiếp chăm sóc F0 - nhóm bệnh nhân dương tính với COVID-19.
"Dự kiến khi tới Bắc Giang, tôi sẽ làm việc tại khu dành cho bệnh nhân F0, do đó tôi sẽ phải mặc đồ bảo hộ 24/7. Việc cạo trọc đầu sẽ giúp tôi bớt cảm giác nóng bức và gọn gàng hơn. Một lý do khác là tôi muốn bản thân tươi mới hơn, năng động hơn và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó", bác sĩ Hiệu chia sẻ.
Anh cho rằng, chuyến đi này không đơn thuần chỉ là lần nhận lệnh điều động, mà chính là khát khao của bản thân - khát khao được góp sức mình cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu.
Từ ngày dịch bệnh xuất hiện và ngày càng phức tạp, lòng anh luôn đau đáu hình ảnh các đồng nghiệp nơi tuyến đầu kiệt sức, gồng mình dập dịch. Với trăn trở đó, mỗi khi bệnh viện có kế hoạch điều động bác sĩ đi vào tâm dịch, anh luôn là người "ứng cử".
Bức ảnh cạo trọc đầu của Bác sĩ Đặng Minh Hiệu khiến nhiều người xúc động.
"Cảm giác ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấy hình ảnh anh chị đồng nghiệp đang gồng mình dập dịch, tôi lại trăn trở. Tôi tự vấn rằng, mình trẻ, có sức khoẻ và chuyên môn, tại sao lại chỉ ở đây vào nhìn.
Vì vậy, khi có lệnh điều động tôi rất phấn khởi. Nhiều người lo lắng, nhiều người khuyên nhủ, nhưng rất lạ là tôi lại không có chút lo sợ nào. Nhận được lệnh, tôi biết điều cần nhất là chuẩn bị một cơ thể khoẻ mạnh để kiên cường vượt dịch thôi", bác sĩ Hiệu cho hay.
"Mẹ nức nở, không cho đi"
Như mọi bà mẹ khác trên cuộc đời này, khi hay tin con trai sẽ ra tuyến đầu chống dịch, mẹ của bác sĩ Hiệu bồn chồn, nức nở không nỡ để anh lên đường.
"Hôm báo tin tôi sẽ đi Bắc Giang, mẹ nhất quyết không cho. Mẹ tỏ thái độ rất căng, nói thiếu gì bác sĩ đâu, sao con phải đi. Sau đó tôi phân tích với mẹ rằng, đúng là có rất nhiều bác sĩ, nhưng nếu như ai cũng nghĩ như vậy thì ai sẽ là người ra tuyến đầu.
Mẹ chỉ khóc thôi. Đỉnh điểm là lúc thấy tấm hình tôi cạo trọc đầu, mẹ nức nở không nên lời. Nhưng dường như mẹ hiểu được ý nên không còn cấm cản", bác sĩ Đặng Minh Hiệu kể.
Giữa lúc cả nước đang lao đao vì dịch, điều anh muốn lan toả nhất hiện tại là sự vui vẻ, lạc quan. Chỉ có lạc quan mới giúp người ta thấy được con đường phía trước ý nghĩa thật nhiều.
21h hôm nay (29/5), Bác sĩ Đặng Minh Hiệu sẽ lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
"Tôi không nghĩ tấm hình lại có sức lan toả lớn đến vậy, nhưng tôi cũng rất vui. Tôi chỉ là bác sĩ bình thường với mong muốn được âm thầm cống hiến, tuy nhiên đến hiện tại thì tôi lại thấy không hẳn điều gì âm thầm cũng là tốt. Đôi lúc, bằng cách nào đó, chúng ta lan toả những điều tốt đẹp, tích cực thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều", bác sĩ Hiệu cười.
PGS.TS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, 21h hôm nay (29/5), Đặng Minh Hiệu cùng bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh (Khoa Chấn thương chỉnh hình) và dược sĩ Trương Văn Đạt (Bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược TP.HCM) sẽ lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
"Có những con người bình thường không hoa mỹ, không đao to búa lớn, đã đứng lên trong những thời khắc nguy nan như thế này. Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Cảm ơn em, một người thầy thuốc trẻ trong trăm ngàn người thầy thuốc Việt Nam”, PGS.TS Lê Minh Khôi nói.