Số cán bộ cấp cao, tướng lĩnh quân đội, công an bị kỷ luật lớn kỷ lục; lượng văn bản về xây dựng Đảng mà Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành cũng nhiều chưa từng có.
Đó là những dấu ấn trong nhiệm kỳ Đại hội XII được ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) đề cập trong cuộc trao đổi với Zing trước thềm Hội nghị Trung ương 14.
Theo ông Hà, đến nay chúng ta đã có thể điềm tĩnh nhìn nhận lại công tác xây dựng Đảng trong cả nhiệm kỳ.
- Thưa ông, nhiều ý kiến đánh giá nhiệm kỳ Đại hội XII là quãng thời gian đạt nhiều thành tựu trong công tác xây dựng Đảng. Là người có thời gian dài gắn bó với công việc này, ông đánh giá đâu là những dấu ấn của nhiệm kỳ?
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, thậm chí, có ý nghĩa đột phá.
Những việc làm được rất nhiều, nhưng có thể khái quát công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và quyết liệt.
Toàn diện ở chỗ tất cả nội dung của công tác xây dựng Đảng đều được đề cập. Đồng bộ vì tất cả nội dung được triển khai thực hiện theo hướng gắn bó, hài hòa, kết hợp, bổ sung cho nhau, cả chỉnh đốn Đảng, cả chỉnh đốn tổ chức, công tác cán bộ và tổ chức cán bộ.
Tôi có nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ làm việc ở Ban Tổ chức Trung ương, nhưng hiếm có nhiệm kỳ nào thấy Ban Chấp hành Trung ương ban hành tới 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành khoảng 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là chỉ tính trong nửa đầu nhiệm kỳ. Đây là dấu ấn, là điểm sáng.
Từ dấu ấn này, có thể nói việc thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII được chỉ đạo rất quyết liệt. Việc liên thông giữa chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước đồng bộ, nhịp nhàng, tạo thành sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Dấu ấn tiếp theo là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN). Chưa có nhiệm kỳ đại hội nào mà công tác đấu tranh PCTN lại được chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, bài bản như nhiệm kỳ này.
Chính vì thế, nó đã tạo ra kết quả “ngoài sức tưởng tượng”. Làm gì có nhiệm kỳ nào trên 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, cả đương chức và nguyên chức. Làm gì có nhiệm kỳ nào có hơn 20 ủy viên Trung ương cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị (cả nguyên chức và đương chức). Và cũng làm gì có nhiệm kỳ nào gần 30 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an bị kỷ luật.
Riêng điều đó thôi đã tạo dấu ấn quá sâu sắc, mạnh mẽ. Có lẽ chính vì vậy, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường.
Từ Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, tôi là người trực tiếp tham gia chuẩn bị nghị quyết nên nhớ rất rõ khi đó đã Đảng quán triệt tinh thần “không có vùng cấm” trong PCTN, bất kể người đó là ai, làm gì, ở đâu.
Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy chỉ đạo rất quyết liệt, có ủy viên Trung ương đã bị xử lý kỷ luật, kể cả đi tù. Thế nhưng sau đó, tinh thần này không được duy trì.
Đến nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng tuyên bố không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong PCTN và thực hiện được đúng như thế.
Đây là mấu chốt rất quan trọng để cán bộ, đảng viên, nhân dân tin vào Đảng, Nhà nước và tin vào việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Để tạo dựng được niềm tin đó, phải làm rất cam go, quyết liệt.
Một ấn tượng khác tôi đánh giá cao là về tổ chức, bộ máy. Nhiệm kỳ này, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy được thể hiện qua những con số, số tiền tiết kiệm cho ngân sách rất cụ thể nên không ai có thể phủ nhận.
Công tác dân vận cũng là điểm sáng. Tôi nhớ mãi câu Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói về mối quan hệ Đảng - dân, đó là “mối quan hệ Đảng - dân có lúc bị phôi phai, gặm nhấm, xói mòn”. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với Đảng.
Nhiệm vụ tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân chính là nhiệm vụ được Đại hội XII bổ sung. Vì thế nhiệm kỳ này có chuyển biến rất tích cực. Thước đo của nó chính là chỉ số niềm tin của dân đối với Đảng.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt tạo nên những kết quả ấn tượng trong công cuộc PCTN, hay thường gọi dân dã là “công cuộc đốt lò”, trong nhiệm kỳ qua?
- Tham nhũng ở nước nào cũng có và ở nước ta thời kỳ nào cũng có, kể cả thời phong kiến. Những câu như “nén bạc đâm toạc tờ giấy” là từ thời xưa chứ không phải giờ mới có. Nhưng tham nhũng luôn gắn với quyền lực, bởi lẽ nhiều người “tham”, nhưng không phải ai cũng “nhũng” được.
Bác Hồ trước kia từng nhận định “tham nhũng là giặc nội xâm”. Bác nói chúng ta có thể thắng giặc ngoại xâm nhưng cũng có thể thất bại trước giặc nội xâm, vì giặc ngoại xâm ta còn nhìn thấy được, còn giặc nội xâm lẩn khuất, lẫn lộn ngay trong nội bộ nên khó nhận biết hơn rất nhiều.
Kế thừa tư tưởng của Bác, Đảng ta nhìn tham nhũng là quốc nạn, liên quan đến sự tồn vong, sống còn của chế độ.
Kết quả của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng được như ngày nay trước hết bắt nguồn từ một quyết định rất đúng đắn của Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Ban chấp hành Trung ương quyết định kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Trước đây, cơ quan này chỉ là Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Chính phủ và do Thủ tướng làm trưởng ban.
Nhưng Chính phủ là cơ quan hành pháp, mà tham nhũng lại gắn liền với các cơ quan hành pháp. Trung ương nhận thấy nếu cứ để như vậy hiệu quả sẽ thấp.
Vì thế, Trung ương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo hướng Ban Chỉ đạo thuộc Bộ Chính trị có cơ cấu, thành phần, số lượng hợp lý hơn và người đứng đầu là Tổng bí thư. Đây là một quyết định cực kỳ đúng đắn và sáng suốt của Trung ương.
Cùng với đó, Trung ương quyết định tái lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa là một ban tham mưu cho Trung ương về lĩnh vực nội chính, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, có Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy, thì cuộc đấu tranh PCTN đã chuyển sang một giai đoạn mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Như vậy để thấy công tác tổ chức và cán bộ luôn gắn liền với nhau, có ý nghĩa quyết định. Quyết định đúng về tổ chức và cán bộ sẽ cho kết quả tốt.
- Ông đánh giá thế nào về việc Tổng bí thư đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, đặc biệt từ khía cạnh “người chỉ đạo chống tham nhũng phải là người có bàn tay sạch”?
- Tổng bí thư đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN có ý nghĩa rất quan trọng. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của người đứng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Nói thì nhiều người nói được, nhưng để có sức thuyết phục, thu phục được nhân tâm, thì người nói phải luôn là tấm gương sáng, như chống tham nhũng thì phải “có bàn tay sạch”.
Bởi lẽ thường, có người nói nhưng với người nghe, họ trách nhiệm phải nghe. Nhưng cũng có người nói khiến người nghe thấm từng câu, từng chữ, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Là người làm công tác xây dựng Đảng nhiều năm và biết Tổng bí thư cách đây 20 năm, tôi rất hiểu con người ông, luôn lắng nghe mọi phát biểu của ông. Có những lần ông nói như “rút gan, rút ruột”, chia sẻ những điều tâm huyết - như máu trong tim, nên nghe rất thuyết phục.
Thậm chí, có những buổi thời sự phát tin có phát biểu của Tổng bí thư, tôi nghe đi nghe lại 2 lần để nhớ chính xác, rõ ràng, chuẩn xác từng câu. Đi giảng dạy ở nhiều nơi về công tác xây dựng Đảng, tôi cần nghe cho thấu để có thể truyền lửa cho người khác.
Theo dõi từ khóa XI đến nay, tôi thấy trong nhiều lần phát biểu, Tổng bí thư rất nghẹn ngào. Và những khi đó, người nghe như tôi cũng nghẹn ngào.
Như vậy để thấy Tổng bí thư rất tâm huyết với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ông truyền cảm hứng ấy cho người khác bằng những chia sẻ, phát biểu rất dân dã, gần gũi, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Nhiều lúc nghe ông nói về chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân, hay kỷ luật cán bộ, tôi cảm thấy ông rất day dứt, xúc động.
Điều đó làm tôi nhớ đến trước đây, khi chuẩn bị xử bắn Trần Dụ Châu, Bác Hồ day dứt nói “phải chặt bỏ một cây sâu để cứu cả rừng cây”. Ngày nay, mỗi khi kỷ luật cán bộ, Tổng bí thư cũng day dứt “phải xử nghiêm một số người để cứu muôn người”.
- Dù kết quả đạt được rõ nét, vẫn có những ý kiến cho rằng việc xử lý kỷ luật khiến mọi việc ngừng lại vì không ai dám làm gì, hoặc chống tham nhũng mạnh, xử nhiều cán bộ cấp cao là do tranh đấu giữa các phe phái. Ông nghĩ sao?
- Đây là những luận điệu xuyên tạc xuất hiện không ít, nhất là trong những thời điểm quan trọng như gần đến Hội nghị Trung ương hoặc Đại hội Đảng.
Luận điệu xuyên tạc nói đúng một phần, đó là “Đảng ta đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Nhưng những luận điệu này thường xuyên tạc ở vế sau, ví dụ như “chống tham nhũng mạnh khiến kinh tế ngưng trệ, vì nhiều người không dám làm gì”.
Nhưng hãy thử nhìn lại xem điều đó có đúng không? Tôi khẳng định là không.
Vì cuộc đấu tranh chống tham nhũng được tiến hành từ cuối nhiệm kỳ khóa XI, đầu nhiệm kỳ khóa XII. Nhưng năm 2016, tốc độ tăng trưởng của nước ta đạt 6,21%; năm 2017 đạt 6,81%, và tăng lên mức 7,08% vào năm 2018; năm 2019 là 7,2%. Chỉ riêng năm 2020, do Covid-19 nên tăng trưởng thấp hơn, nhưng trong khi hầu hết quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là nước hiếm hoi đạt tăng trưởng dương.
Bởi vậy, nói đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt khiến kinh tế trì trệ là sai. Việc này đã được chứng minh qua các con số rõ ràng.
Ngược lại, đấu tranh chống tham nhũng còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bởi lẽ khi chúng ta đấu tranh quyết liệt với tham nhũng sẽ có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, làm cho rất nhiều người khác định tham nhũng rụt tay lại. Không quyết liệt thì họ đã “bốc của đút túi” rồi.
Chống tham nhũng quyết liệt cũng giúp chúng ta biết lỗ hổng ở đâu để bịt vào. Cùng với đó, ta chống được cả lãng phí, giữ tiền đất nước còn trong ngân sách. Đặc biệt lần này, chống tham nhũng còn đi đôi với thu hồi tài sản rất lớn.
Đó là những yếu tố chứng minh chống tham nhũng quyết liệt vẫn giúp tăng trưởng kinh tế.
- Nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đã ghi dấu ấn đậm nét trong công tác PCTN. Theo ông, đây có phải áp lực cho nhiệm kỳ mới?
- Nói là áp lực thì chưa hoàn toàn đúng. Bởi đúng là có áp lực vì “nhiệm kỳ trước làm tốt thế, nhiệm kỳ này không làm được thì nhân dân sẽ đánh giá ra sao”. Nhưng tôi nghĩ phần động lực sẽ lớn hơn áp lực.
Bởi nhiệm kỳ khóa XII làm tốt, được nhân dân hưởng ứng, đó chính là động lực, là cơ sở, nền tảng, tiền đề để tới đây thực hiện tốt hơn.
Trong một vấn đề bao giờ cũng phải nhìn thấy hai mặt. Nhưng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, khi đã có khí thế thì phát huy lên sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Tôi còn nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “cố gắng trong nhiệm kỳ này, chúng ta cơ bản hoàn thiện về thể chế để các nhiệm kỳ sau cứ thế mà làm”. Tức là nhiệm kỳ này phải tạo được khuôn, được nếp để khóa sau làm theo.
Rõ ràng, nhiệm kỳ này ta đã hoàn thiện rất nhiều về cơ chế, là điều kiện tốt để nhiệm kỳ tới phát huy. Theo tinh thần của Tổng bí thư, lò đã đốt lên rồi thì phải giữ cho nóng, chống tham nhũng không được phép chững lại, phải làm sao để củi tươi, củi ướt vào lò cũng phải bùng cháy.