Theo kết luận điều tra Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an về vụ án Việt Á vừa ban hành, ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng KH&CN bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Hành vi của ông Chu Ngọc Anh gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Việt Á túi quà có 200.000 USD. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao không bị xử lý tội Nhận hối lộ?
|
Ông Chu Ngọc Anh. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra chứng minh đến đâu sẽ kết luận và đề nghị truy tố đến đó.
Nếu có việc nhận tiền giữa người có chức vụ quyền hạn với cá nhân doanh nghiệp nhưng không chứng minh được có sự thỏa thuận công việc phải làm để được hưởng số tiền đó thì chưa đủ căn cứ để truy tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Nội dung bản kết luận điều tra cho thấy, ông Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS, chứ không phải là tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS. Số tiền ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD là tiền thu lợi bất chính (nhận quà trái quy định) nên sẽ bị tịch thu để nộp vào ngân sách nhà nước.
Dẫn nội dung kết luận về việc Phan Quốc Việt khi gặp ông Chu Ngọc Anh đã nói: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp", luật sư Cường cho rằng, tình tiết này có nhiều nội dung cần làm rõ để xác định số tiền là đưa hối lộ hay chỉ nhận quà trái quy định.
“Nếu giữa hai bên có sự thỏa thuận công việc phải làm và giá trị lợi ích được hưởng, đó là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Còn trường hợp không có thỏa thuận về việc nhờ vả, chỉ là quà cảm ơn mà không có thỏa thuận từ trước, đây là hành vi "nhận quà trái quy định". Hành vi này thì chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng về những điều Đảng viên không được làm”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo quy định của pháp luật, việc chuyển giao tài sản từ người này sang người khác là quan hệ dân sự. Pháp luật cho phép chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản bằng cách tặng cho, chuyển nhượng hoặc các hình thức giao dịch khác sang người khác một cách hợp pháp.
Việc chuyển giao tài sản trong quan hệ dân sự, kinh tế phải đảm bảo các yêu cầu tự nguyện, ngay tình, công khai, thỏa mãn điều kiện về chủ thể, về ý chí, về nội dung không trái pháp luật đạo đức xã hội, giao dịch dân sự đó hợp pháp và được pháp luật thừa nhận.
Việc chuyển giao tài sản, lợi ích giữa người có chức vụ quyền hạn với đối tượng thuộc phạm vi quản lý hoặc cấp dưới bị kiểm soát theo Luật Phòng chống tham nhũng và quy định của đảng về cán bộ đảng viên nhận quà.
Theo đó Luật Phòng chống tham nhũng nghiêm cấm cấp trên nhận quà tặng của cấp dưới hoặc của cá nhân doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình. Bởi vậy, người nhận quà tặng là lợi ích vật chất phải báo cáo với tổ chức và nộp lại quà tặng. Nếu cố tình không báo cáo sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trường hợp vì được tặng quà, vì được hưởng lợi ích, vì vụ lợi như vậy mà "làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản" của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác có sự thỏa thuận với nhau về công việc phải làm và lợi ích được hưởng, theo đó tổ chức, cá nhân sẽ đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để người đó thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Người nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ số tiền 200.000 USD mà ông Chu Ngọc Anh nhận của Phan Quốc Việt có sự thỏa thuận hay không làm căn cứ xác định bản chất của việc giao nhận số tiền này, làm cơ sở để quyết định đổi tội danh và hình phạt phù hợp đối với ông Chu Ngọc Anh.
Theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử làm rõ đến đâu, xử lý đến đó theo nguyên tắc suy đoán vô tội và theo nghĩa vụ chứng minh mà bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định.
Do đó, số tiền 200.000 USD Phan Quốc Việt đưa cho ông Chu Ngọc Anh chỉ được xác định là hành vi nhận quà trái quy định, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính, bị kỷ luật chứ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi này được xác định là vụ lợi. Nếu vì vụ lợi mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì đây là dấu hiệu định tội của tội danh khác hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp.
Vụ Việt Á là vụ án hình sự phức tạp, điều tra, truy tố với nhiều bị can, hành vi của mỗi bị can lại có tính chất khác nhau xâm phạm đến các khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Bởi vậy, VKS và tòa án sẽ nghiên cứu hồ sơ, tiếp tục hoặc thực hiện các hoạt động tố tụng để làm sáng tỏ hành vi của các bị cáo, đánh giá tính chất mức độ hành vi vi phạm làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc xử lý hình sự phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo kết luận điều tra, khi tham gia đề tài nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm COVID-19, ngày 27/8/2020, Phan Quốc Việt liên lạc qua ứng dụng Viber cho ông Chu Ngọc Anh hẹn gặp, nhưng ông Chu Ngọc Anh không trả lời nên Việt nhắn tin cho ông Nguyễn Mai Dương, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN.
Theo hướng dẫn của ông Dương, chiều cùng ngày, Việt mang theo một balo màu xanh, trong đó có 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng) và một số khẩu trang, nước rửa tay đến trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại đậy, Việt được ông Dương dẫn vào phòng làm việc của ông Chu Ngọc Anh. Việt và ông Chu Ngọc Anh ngồi tại khu vực bàn tiếp khách trao đổi các nội dung về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là kết quả phòng chống dịch của Công ty Việt Á.
Khoảng hơn 15 phút sau, Việt mở balô và lôi ra túi quà màu xanh có in website và số điện thoại hotline của Công ty Việt Á (trong đó có 200 nghìn USD cùng với một vài bộ khẩu trang và chai nước rửa tay khô dạng xịt của Công ty Việt Á sản xuất) lấy khẩu trang và chai nước rửa tay ra và trao đổi với Chu Ngọc Anh về tính năng, cách sử dụng.
Sau đó, Việt bỏ khẩu trang và chai nước rửa tay vào túi, nói với ông Chu Ngọc Anh: "Tụi em mới có được ít thanh toán, ghé cám ơn anh đã ủng hộ tụi em tham gia đề tài và hỗ trợ tụi em rất nhiệt tình. Nếu tình hình tốt, sắp tới em sẽ ghé thăm anh tiếp”. Sau đó, Việt để lại túi màu xanh của Công ty Việt Á dưới chân bàn và ra về.
Số tiền 200 nghìn USD do Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ của Công ty Việt Á rút ra đưa cho Việt mang từ TP HCM ra Hà Nội. Việt đưa tiền cho ông Chu Ngọc Anh với mục đích cảm ơn ông này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tham gia Đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm và không đề xuất biện pháp thu hồi khi Công ty Việt Á sử dụng kit xét nghiệm là kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước để lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất kinh doanh trái pháp luật.
Đáng chú ý, khi Việt ra về, nhận "quà cám ơn" từ tổng giám đốc Công ty Việt Á, ông Chu Ngọc Anh cất túi màu xanh này vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Đến cuối tháng 9/2020, khi dọn phòng làm việc để chuyển về UBND Hà Nội nhận chức chủ tịch thành phố, ông Chu Ngọc Anh mới kiểm tra và thấy trong túi quà mà Phan Quốc Việt đưa có tiền.
Cơ quan điều tra nhận định ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Phan Quốc Việt về việc đưa nhận tiền. Cựu bộ trưởng cũng không gây khó khăn nhằm mục đích phải đưa tiền.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ