Ngày 28/11, Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, theo điều tra ban đầu em N.V.V. và N.T.Đ. cùng học khối 9 tại Trường THCS Châu Giang trên địa bàn mới xảy ra vụ nam sinh lớp 9 đánh bạn học tử vong. Công an thị xã Duy Tiên cho hay, cháu Đ. có dùng tay đấm vào vùng đầu và bụng của V. khiến nam sinh bị ngất. Dù đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng V. đã tử vong ngay sau đó. Hiện, cơ quan chức năng đang tạm giữ Đ. để điều tra, làm rõ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ nam sinh lớp 9 đánh bạn học tử vong là sự việc hết sức đáng tiếc bởi cả em còn quá nhỏ tuổi, sự việc xuất phát từ những việc rất nhỏ nhặt nhưng đã gây thiệt mạng cho một học sinh và học sinh còn lại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 9, khoản 2, Điều 12 và khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 thì nam sinh này từ đủ 14 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù.
|
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc. |
Luật sư Cường cho hay: "Tuy nhiên, nam sinh này sẽ được áp dụng các quy định về người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, nguyên tắc xử lý là “phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.”
Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Ngoài ra, khoản 2, Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định: “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”.
Luật sư Cường cho biết thêm, như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, trường hợp nam sinh này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi) thì nam sinh này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng được áp dụng các quy định về người chưa chưa thành niên phạm tội nên hình phạt sẽ chỉ phải chịu bằng 1/2 mức hình phạt đối với người đã thành niên (nghĩa là mức hình phạt sẽ phải đối mặt trong trường hợp bị xử lý về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là từ 03 năm 06 tháng tù cho đến 07 năm tù.).
Trong vụ việc trên, hành vi của hai nam sinh là bột phát, thể hiện tính hiếu động của tuổi trẻ, là việc không mong muốn và nên việc xem xét xử lý hình sự, áp dụng chế tài đối với trường hợp này cũng phải trên cơ sở chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, khung hình phạt với người chưa thành niên là từ 03 năm 06 tháng đến 07 năm tù. Trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể áp dụng dưới khung hình phạt và cho hưởng án treo.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì nếu học sinh này có tài sản, sẽ phải bồi thường. Trường hợp không có tài sản thì cha mẹ sẽ phải liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng và khoản bồi thường tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm hại.
>>> Xem thêm video: Nam sinh lớp 9 bị 20 thanh niên đánh hội đồng tới nhập viện