Mua axit dễ như mua rau và những nỗi đau không chỉ thể xác

Google News

Theo các chuyên gia pháp lý, việc mua bán axit quá dễ dàng như hiện nay là tác nhân của nhiều vụ tạt axit đau lòng.

Mua axit dễ như mua rau
Vụ việc chị Đặng Thị H (33 tuổi, trú tại thôn Yên Viên, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị chồng cũ là Phạm Văn Thông (35 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) tạt axit chiều 24.3 gây xôn xao dư luận.
Ông Đặng Văn Xuân (bố chị H) - người chứng kiến toàn bộ sự việc. Người đàn ông luống tuổi, gương mặt nhàu nhĩ vì đau buồn cho hay, chiều 24.3, sau khi vợ chồng ông nhận điện thoại của con gái, than thở về việc bị chồng hành hạ, ông liền tức tốc đến nhà con gái mới thuê trọ ở xóm chợ Vân để giải quyết xung đột cho hai con.
Khách hàng có thể dễ dàng mua axit từ các cơ sở bán hóa chất ở Hà Nội. Ảnh: Cường Ngô. 
Trong lúc nói chuyện, có to tiếng, con rể cũ của ông - anh Thông bất ngờ xuống nhà lấy can axit đã chuẩn bị trước đổ thẳng vào người chị H, khiến chị đau đớn, đầu tóc và quần áo cháy sém hết, nhiều lớp da trên ngực nhăn lại, còn ông thì bàng hoàng.
“Lúc đó, sự việc xảy ra rất nhanh, bản thân tôi cũng không thể lường trước được. Tôi ở gần ngay cạnh con gái, nhưng vì quá bất ngờ, không làm được gì. Mỗi lần nghĩ lại cảnh tượng kinh hoàng ấy, tôi lại đau lòng, ông Xuân rưng rưng.
Cũng theo lời ông Xuân, gây án xong, anh Thông định lên xe máy bỏ chạy nhưng người dân kịp thời bắt giữ. Sau khi bị tạt axit, chị H được chuyển gấp xuống Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, còn người chồng bị Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) tạm giữ hình sự.
Sau khi Báo Lao Động đăng tải sự việc này, nhiều bạn đọc đã gửi lời chia buồn với nạn nhân đồng thời lên án hành vi man rợ của kẻ mất nhân tính.
“Cầu mong chị H tai qua nạn khỏi, mong cơ quan công an sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử thật nặng để răn đe”, bạn đọc Nguyễn Hồng Vịnh cho hay.
Bên cạnh việc lên án hành vi bất nhân, chia buồn với người gặp nạn, mong pháp luật pháp sớm tìm ra kẻ thủ ác để nghiêm trị, một vấn đề khác cũng được nhiều bạn đọc đặt ra, đó là việc mua bán axit quản lý hiện nay quá lỏng lẻo.
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh axit bắt buộc phải lưu giữ phiếu an toàn hóa chất và xuất trình khi có yêu cầu, đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể nắm được các thông tin.
Trong phiếu phải khai báo phải ghi cụ thể mục đích sử dụng, ngày giờ mua bán, thành phần nguy hiểm, cách sử dụng và bảo quản, thông tin về độc tính, quy định về vận chuyển, Ngoài ra, khi mua phải xuất trình chứng minh nhân dân xem đã đủ tuổi công dân hay chưa?
Quy định là vậy, nhưng thực tế, việc mua bán axit hiện nay rất dễ dàng, như mua mớ rau ngoài chợ. Trong vai người có nhu cầu mua axit về thí nghiệm, chúng tôi tìm đến một số cửa hàng bán axit ở Hàng Hòm. Tại đây, các cửa hàng hóa chất san sát nhau, chữ “hóa chất” mặc dù được in chìm, song ai cũng biết ở đây có đủ loại axit, chỉ cần hỏi thì bao nhiêu cũng có hàng bán.
Tiếp cận một cửa hiệu hóa chất ngay giữa phố Hàng Hòm, chỉ vừa dừng xe, chúng tôi được nhân viên của tiệm M.H đon đả đón tiếp, chào mời. Khi hỏi mua một chai axit clohydric (công thức hóa học HCL) loại nhỏ, chủ cửa hàng nói: “Chai nhỏ nhất 0,5 lít, giá 35.000 đồng. Ở đây có đủ các loại axit”. Điều ngạc nhiên, người bán hàng không cần hỏi mục đích sử dụng của “thượng đế”.
Cùng loại axit clohydric, chủ cửa hàng P.K (phố Hàng Hòm) cho biết, chỉ bán axit HCL dạng 2 lít và 5 lít với giá 14.000 đồng mỗi lít, không sang chiết. Chủ cửa hàng này lý giải, khi sang chiết, axit rất nhiều khói, mất thời gian và gây nguy hiểm.
Cảnh tượng mua bán axit tương tự như trên cũng diễn ra tại nhiều sạp, kiốt bán hóa chất trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Khi mua axit, chúng tôi không cần phải khai báo tên tuổi, địa chỉ, trình chứng minh nhân dân, chỉ cần nói loại hàng cần.
Tôi nói, muốn mua axit sunfuric (H2SO4) về làm thí nghiệm, người phụ nữ là chủ cửa hàng nói luôn có nồng độ maximum là 38%, giá 60.000 đồng chai 1 lít. Tôi đồng ý, người này liền lấy trong góc nhà ra 1 chai nhựa, nhanh chóng cho vào túi và giao hàng.
Qua quan sát của phóng viên, có vẻ để tránh sự kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, những can đựng axit đều không được dán nhãn mác, ký hiệu gì trên thân bình chứa và khi bán “thứ vũ khí tử thần” này đều được đựng trong túi nilon đen.
Bên cạnh đó, một nhân viên bán hóa chất trên cũng trên đường Hoàng Quốc Việt chia sẻ, nếu khách hàng không đến trực tiếp cửa hàng thì có thể để lại địa chỉ, tên tuổi, sản phẩm sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn lập cả fanpage bán công khai trên các trang mạng.
Trong khi đó, Thông tư 28/2010 của Bộ Công Thương quy định rõ, những axit đậm đặc như H2SO4 hay HCL nằm trong danh mục hóa chất phải khai báo, việc mua bán phải có phiếu kiểm soát.
“Có thể áp dụng án tử với tội phạm tạt axit”
Liên quan vấn đề này, chia sẻ với Báo Lao Động, bà Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội nói, công dụng của axit là phục vụ sản xuất, nghiên cứu và thí nghiệm, nhưng nếu người mua sử dụng với mục đích xấu, có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
Còn việc mua bán axit công khai, dễ dàng là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Nếu tiếp tục để các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh hóa chất bừa bãi, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội e ngại khó có thể quản lý được mặt hàng được coi “vũ khí tử thần” này.
Dù việc quản lý, mua bán axit trên thị trường đã được luật quy định chặt chẽ, rõ ràng, song quá trình thực thi, kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương chưa tốt, dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh axit coi thường pháp luật.
Còn vấn đề sử dụng axit gây tổn thương cho người khác, bà Bùi Thị An nêu quan điểm: “Đây là hành vi man rợ, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe. Nhà chức trách hãy kiểm soát tận gốc rễ nguồn bán axit, xử lý tăng nặng hành vi mất nhân tính này”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, thực tế, rất ít đối tượng gây án bằng axit bị truy tố tội Giết người. Bởi lẽ, người thực hiện hành vi chỉ mong muốn hủy hoại nhan sắc, sức khỏe người khác, chứ không có ý giết người. Tuy nhiên, theo luật sư, thực tế hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn, bị ám ảnh với nỗi đau về thể chất và tinh thần gần như cả đời và không thể nào bù đắp được.
Còn luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, tạt axit là hành động hết sức dã man, độc ác vì để lại những di chứng đau đớn cho nạn nhân, thậm chí khiến nạn nhân “sống dở chết dở”.
Hành động sử dụng axít gây thương tích cho người khác có thể phạm tội Cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Điều này quy định, tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân càng cao thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội càng lớn. Việc gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên người thực hiện hành vi có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định các yếu tố chủ quan, khách quan để xác định hành động tạt axit đối với nạn nhân có cấu thành tội danh Giết người hay không.
Để cấu thành tội này phải dựa vào các yếu tố như ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi có mong muốn nạn nhân tử vong khi bị tạt axit hay không; mức độ đậm đặc của axit, mức độ quyết liệt trong cách thức thực hiện tội phạm để cơ quan tiến hành tố tụng nhận định hành vi có dấu hiệu tội giết người hay không?
Theo Ngô Cường/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)