Đến hôm nay, việc cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do có liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương vẫn khiến dư luận ngỡ ngàng và sốc.
Bởi trước khi bị khởi tố, ông Phan Văn Vĩnh được biết đến là một trong những sĩ quan giỏi có nhiều đóng góp cho ngành công an, người đã từng chỉ đạo hàng loạt chuyên án lớn như vụ Lê Văn Luyện, thảm án Bình Phước, bầu Kiên và truy bắt Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra ông Phan Văn Vĩnh còn nổi tiếng với những phát ngôn đậm tình người sau khi phá mỗi vụ án khiến nhiều người cảm động và những phát ngôn đanh thép khiến tội phạm khiếp sợ.
|
Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: CAND. |
Cuối năm 2011, Lê Văn Luyện gây ra vụ thảm sát xảy ra ở tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) năm cuối năm 2011 khiến 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương rúng động dư luận. Ông Phan Văn Vĩnh khi đó là trưởng ban chỉ đạo chuyên án, trực tiếp tham gia vào quá trình điều tra phá án trong vụ trọng án này. Dưới sự chỉ đạo của ông, Lê Văn Luyện đã bị bắt giữ sau đó khi đang trên đường bỏ trốn tại Lạng Sơn.
Khi nói về vụ án này, ông Phan Văn Vĩnh cho biết, bản thân ông không khỏi ám ảnh khi có mặt ở hiện trường. “Vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái mới 18 tháng tuổi bị hạ sát. Đứa lớn học lớp 3 may mắn thoát chết, nhưng bàn tay cũng bị kẻ thủ ác làm đứt lìa. Những cái chết rất thảm khốc, chỉ thấy máu và máu khiến tất cả chúng tôi lặng người. Điều đó thúc đẩy chúng tôi quyết tâm bắt bằng được tội phạm".
Một năm sau ngày xảy ra vụ án, ông Phan Văn Vĩnh nói đây là vụ án "nặng nợ nhất" với mình bởi sự "dã man, tàn bạo" của kẻ gây án. “Phải bắt bằng được Lê Văn Luyện là khí thế hừng hực trong bốn ngày đêm ấy”.
Trong đại án kinh tế liên quan ông Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) cùng đồng phạm, khi đó, ông Phan Văn Vĩnh cũng là trưởng ban chuyên án.
Trước những nghi ngại về "vùng cấm" khi điều tra, ông Phan Văn Vĩnh đã nói rằng: “Với tư cách Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào”.
Bản thân ông Vĩnh cho biết, sẽ xử lý nghiêm trên "tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội".
Năm 2015, vụ thảm án xảy ra tại Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình bị thiệt mạng, tướng Phan Văn Vĩnh cũng là Trưởng ban chuyên án. Trong vụ án này, Bộ Công an huy động hàng nghìn điều tra viên cả nước tham gia, triệu tập người đứng đầu 10 tỉnh trực tiếp đến hiện trường.
Ông Phan Văn Vĩnh đã từng nói rằng: “Vụ án đối với chúng tôi là một áp lực. Tôi lo nghĩ trăn trở nhiều lắm".
"Đây chỉ là hoàn thành một nửa. Niềm vui không trọn vì hương khói vẫn còn. Đau đớn vẫn hiện hữu vì gia tộc họ chỉ còn một cháu bé " và bản thân ông Vĩnh khi nói sau khi bắt được hung thủ gây án, là người đứng đầu lực lượng cảnh sát, tướng Vĩnh nói rằng: "Đây không phải là chiến công".
Tại hội thảo quốc tế về công tác truy nã tội phạm hồi tháng 10/2016, ông Vĩnh cho biết cảnh sát nhiều nước đã nhận lời cùng Việt Nam truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh. Với tư cách Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ông Vĩnh khẳng định sẽ bắt bằng được cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang dù ông này lẩn trốn ở đâu.
Khi nói về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, ông Phan Văn Vĩnh cho rằng: “Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn”.
Ông Phan Văn Vĩnh gây ấn tượng với phát ngôn: “Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt”.
Nói về kinh nghiệm khi phá các vụ án lớn, ông Vĩnh tâm niệm phải dùng trái tim, tình cảm khuất phục tội phạm. Chỉ khi chỉ ra lỗi lầm và "tìm ra điểm sáng trong con người họ" thì mới có thể khiến tội phạm cúi đầu.
"Mảng tối" sau những phát ngôn
Thế nhưng những kỳ vọng, cảm phục của người dân vào ông Phan Văn Vĩnh đã chuyển sang thất vọng khi bản thân ông bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng do có liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
Ông Phan Văn Vĩnh còn bị công an tỉnh Phú Thọ chỉ rõ có đủ căn cứ xác định, ông Vĩnh đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn giúp bị can Nguyễn Thanh Hóa và bị can Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài RikVip phạm vào điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Những sai phạm của ông Phan Văn Vĩnh xảy ra khi ông đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông Phan Văn Vĩnh đã ra các chủ trương trái với quy định pháp luật để tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc qua game Rikvip và Tip.club. Bản thân ông Phan Văn Vĩnh đã ký và trình một số văn bản cho Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC do Nguyễn Văn Dương (bị can cầm đầu trong đường dây đánh bạc) là chủ tịch HĐQT được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
Ông Phan Văn Vĩnh sẽ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật của mình liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ. Thế nhưng, cái giá đắng chát hơn gấp nhiều lần đó chính là cả một đời làm "tướng" chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, lập nhiều chiến công, từ người đi trấn áp tội phạm trở thành tội phạm và phải "xộ khám" như ngày hôm nay để trả giá cho những sai lầm.
Nguyên nhân gì dẫn đến việc ông Phan Văn Vĩnh tha hóa rồi xộ khám cơ quan điều tra đang làm rõ. Tuy nhiên, ông Vĩnh có lẽ là người hiểu hơn cả và có lẽ bản thân ông Vĩnh không thể ngờ tới kết cục đắng chát như hiện tại.