GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) cho rằng việc "hồi sinh" hay khơi thông dòng chảy, đưa con sông về trạng thái tự nhiên như trước là điều không thể.
Theo ông, Tô Lịch hiện giờ khó có thể coi là một con sông đúng nghĩa do đường dẫn nước quan trọng nhất của con sông đã bị chặn, lấp đi từ lâu. Bên cạnh đó, TP Hà Nội tận dụng, biến Tô Lịch thành cống chứa hàng trăm nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý khiến con sông tiếp tục "chết" bất chấp mọi giải pháp, công nghệ làm sạch.
Chấp nhận sự thật Tô Lịch "đã chết"
Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng việc sông Tô Lịch "chết" đơn thuần bởi các điều kiện tự nhiên, địa chất thay đổi sau hàng trăm năm. Con người có trách nhiệm trong việc này nhưng không có nghĩa sông chết do bàn tay con người.
"Mặc dù khó chấp nhận, nhưng ta cần phải nhìn nhận sự thật Tô Lịch không bao giờ có thể quay trở lại là con sông tự nhiên như trước. Việc con sông chết đơn thuần bởi các điều kiện khách quan, tự nhiên bất lợi. Cũng chính vì vậy nên tác động của con người để làm sống lại con sông rất khó khăn", GS Trọng Hồng phân tích.
Về nguyên nhân của tình trạng này, ông đưa ra 2 lý do chính:
Thứ nhất, việc cửa đường dẫn nước từ sông Hồng vào Tô Lịch đã bị ngắt và lấp từ nhiều năm trước khiến cho việc đào lại dòng chảy cho con sông là điều không tưởng. Việc này sẽ tốn nguồn kinh phí khổng lồ, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.
Thứ hai, sông Hồng từ nhiều năm nay thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Việc mở đường dẫn từ sông Hồng vào Tô Lịch đã khó, mà không chắc đủ nước để cấp dòng chảy cho Tô Lịch.
Chung nhận định, GS. TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, cho rằng sông Hồng bản thân cũng không đủ nước để cấp cho chính nó, nên việc cấp nước cho Tô Lịch là điều không khả thi.
"Từ nhiều năm nay, mực nước sông Hồng luôn ở mức thấp, thậm chí còn không đủ để phục vụ nông nghiệp. Thời gian trước, một số chuyên gia đề xuất dùng máy bơm để bơm nước từ sông Hồng vào nhưng làm thế vừa tốn kém, vừa không bền vững. Bơm đến bao giờ mới đầy được Tô Lịch?", GS Hoàng Hải băn khoăn.
Bối rối với các hướng đi
Theo Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đã đến lúc cần chấp nhận sự thật Tô Lịch không thể trở lại thành con sông trong xanh, nước chảy cuồn cuộn như xưa nữa. Hà Nội nên chuyển hướng sang giải quyết Tô Lịch với đối tượng là một mương nước thải.
"Nếu con sông có dòng chảy thì rất dễ, tách nước thải là sông sẽ tự được làm sạch. Nhưng giờ đây, chúng ta phải đối mặt với bài toán sông chết mà nước thải cứ liên tục đổ vào như thế thì khác gì cái cống? Làm gì có con sông nào như thế?", GS Trọng Hồng nói.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), lại cho rằng Tô Lịch có là sông hay không chỉ là vấn đề quan niệm.
"Tùy theo quan niệm của từng người, tôi cho rằng Tô Lịch vẫn là một con sông, tất nhiên không phải sông tự nhiên. Nguồn nước cấp từ sông Hồng bị mất, nhưng sông Tô vẫn có nguồn nước mưa", ông nêu quan điểm.
Ông Tứ cho rằng nước thải sinh hoạt cũng được coi là một nguồn cấp nước quan trọng đối với các con sông trong đô thị, nhưng chỉ với điều kiện nước thải này phải qua xử lý, đạt tiêu chuẩn, cá có thể sống được. Theo ông, việc này không hề hiếm ở các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc...
"Các nước vẫn có các con sông nhân tạo, nước trong và có cá bơi giữa lòng đô thị. Vì vậy nước thải cùng là một nguồn tài nguyên. Nhưng Hà Nội lại đang thải thẳng nước không qua xử lý xuống như vậy thì chỉ là nguồn ô nhiễm chứ không thể là nguồn nước được", ông Tứ cho biết.
Bài toán tách nước thải
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tích cực trong giải quyết vấn đề sông Tô Lịch nhưng mới chỉ tập trung vào phần ngọn. Cội rễ của vấn đề là nước thải thì vẫn bất lực, bó tay.
"Mọi giải pháp, đặt máy xử lý nước thải, hay rải chế phẩm làm sạch đều chỉ là tình thế. Hàng chục triệu m3 nước thải mỗi năm như thế chả có máy gì làm sạch nổi, nếu làm sạch thì sẽ tốn bao nhiêu tiền cho đủ?", GS Hoàng Hải bày tỏ lo ngại.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lý chảy vào sông. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 54 triệu m3, lượng nước thải này khiên con sông liên tục đen kịt, dày đặc toàn bùn, bốc mùi hôi thối.
Hà Nội đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày, đêm.Tổng mức đầu tư được duyệt là gần 16.300 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Khởi công từ 2016, nhưng dự án vẫn đang rất ì ạch, mới chỉ triển khai được một số hạng mục cơ bản, phục vụ thi công.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang cho thí điểm công nghệ làm sạch Nano-Bioreactor do đoàn chuyên gia Nhật và công tư JVE làm chủ đầu tư. Đạt được một số thành quả nhất định trong xử lý bùn và mùi hôi, nhưng các chuyên gia đánh giá công nghệ vẫn khó đạt hiệu quả nếu nước thải tiếp tục chảy vào sông như hiện nay.
Thành phố cũng đang cho khoanh vùng, thí điểm công nghệ làm sạch nước của Đức trên sông Tô Lịch. Chất Redoxy-3C được sử dụng cho kết quả khả quan, nhưng theo các chuyên gia nếu sử dụng sẽ phải rải liên tục, rất tốn kém, không hiệu quả.
*Tiêu đề đã được BTV đặt lại