Mới đây, Bộ Tư pháp quyết định giáng chức ông Vũ Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM xuống làm Cục phó do có nhiều sai phạm trong quá trình điều hành, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự tại TP.HCM. Ngoài việc bị xử lý kỷ luật về chức vụ, ông Vũ Quốc Doanh đang tiếp tục bị xem xét, xử lý kỷ luật về mặt Đảng do Thành ủy TP.HCM quyết định.
Cùng với ông Doanh, ông Võ Minh Hòa, nguyên Phó Cục trưởng THADS TP HCM cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
|
Ông Vũ Quốc Doanh. |
Năm 2020, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra hoạt động thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM và phát hiện một số sai phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi hành.
Dù chi tiết những sai phạm chưa được tiết lộ tuy nhiên, việc nhận kỷ luật giáng chức cho thấy, ông Vũ Quốc Doanh đã có những sai phạm nghiêm trọng. Dư luận quan tâm, ngoài việc bị giáng chức, tiếp theo ông Doanh sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc giáng chức Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM xuống làm Cục phó đối với ông Vũ Quốc Doanh chưa chắc đã phải là hậu quả pháp lý cuối cùng.
Ngoài việc kỷ luật công chức, ông Doanh sẽ bị kỷ luật về Đảng và còn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý nếu như có hành vi vi phạm pháp luật.
Dẫn quy định của pháp luật, luật sư Cường cho biết, một cán bộ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật đảng và còn phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi vi phạm gây ra. Nếu chỉ vi phạm điều lệ Đảng hoặc vi phạm quy định về đạo đức cán bộ mà không phải là vi phạm pháp luật khác mới chỉ xem xét kỷ luật Đảng và kỷ luật về phía chính quyền.
Đối với vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi vi phạm của ông Vũ Quốc Doanh là vi phạm về vấn đề gì, hậu quả pháp lý đến đâu để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với tư cách là một Cán bộ, công chức nhà nước mà có hành vi vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, các hành vi của cán bộ, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sau đây thì bị xem xét xử lý kỷ luật: “Hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ”.
Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm được phân loại thành 4 mức độ: “Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Thứ nhất, vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Thứ hai, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Thứ ba, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Thứ tư, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Nghị định quy định đối với cán bộ có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Trong đó, đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Điều 11, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm; Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này; Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này.”
Luật sư Cường cho rằng, sau khi kỷ luật về mặt chính quyền thì sẽ tiến hành xem xét kỷ luật về Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Trường hợp kết luận của cơ quan chức năng là có sai phạm, vi phạm pháp luật đến mức phải xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ theo nội dung kết luận của cơ quan chức năng. Còn trường hợp chỉ là vi phạm kỷ luật chỉ xem xét ở mức độ kỷ luật đảng và kỷ luật về mặt chính quyền.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng