Can thiệp vào quá trình tố tụng
Theo nguồn tin của Tiền Phong, ông Hồ Văn Năm khi làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều vi phạm trong một số vụ án hình sự. Cuối năm 2011, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang nhiều cán bộ Trường Trung cấp nghề Giao thông tỉnh Đồng Nai nhận hối lộ trong việc sát hạch thi bằng lái xe. Trong những người bị bắt có nhân viên tổ sát hạch Hồ Văn S là người thân của ông Năm.
Vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý của Viện KSND tỉnh Đồng Nai nhưng ông Năm lại chuyển cho Viện KSND TP Biên Hòa thụ lý. Hậu quả là sau đó vụ án đã bị chìm xuồng do hai cơ quan đùn đẩy trách nhiệm.
Khi còn là Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, ông Năm chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát một số vụ án lớn như vụ bắt giam, truy tố oan sai đối với Nguyễn Tấn Đại vào năm 2005 về tội hiếp dâm trẻ em. Đến năm 2016, Viện KSND tỉnh Đồng Nai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 370 triệu đồng.
|
Ông Hồ Văn Năm, cựu Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai |
Sau khi được chuyển sang giữ chức vụ cao hơn là Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm có liên quan trực tiếp đến một vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường. Đó là vụ chém nhau xảy ra vào ngày 10/1/2016 tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa). Các đối tượng Nguyễn Huỳnh L, Trần Minh Trí, Nguyễn Huynh, Trần Quốc Toản, Nguyễn Minh Hậu, Nguyễn Văn Thiên đến quán karaoke 123 thuộc khu phố 5, P.Trảng Dài, TP Biên Hòa để hát.
Trong lúc chờ phòng, giữa Hậu và Nguyễn Thành Ngọc (nhân viên của quán) xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Chủ quán Nguyễn Khắc Hưng bị nhóm người của L đâm trúng mắt. Nhóm này còn kéo Nguyễn Thành Ngọc ra ngoài sảnh quán để đánh... Vụ ẩu đả làm nhiều người bị thương tích từ 43 -54%. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố 5 người là nhân viên của quán và 6 người trong nhóm đến hát karaoke về hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, trong đó Nguyễn Huỳnh L bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tuy nhiên, từ một cuộc họp liên ngành, Ban thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra “miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ điều tra” đối với bị can Nguyễn Huỳnh L và được ông Hồ Văn Năm có bút phê "đồng ý". Theo một số nguồn tin, Nguyễn Huỳnh L là người thân của một lãnh đạo cấp cao tỉnh Đồng Nai.
Là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Năm có những can thiệp vào một vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cụ thể: Từ năm 1985 đến 1986, Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa) được giao 314 ha đất tại phường Long Bình để trồng rừng nhưng trạm đã buông lỏng quản lý, để dân lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép mất gần 30 ha. Từ năm 2006 đến tháng 5/2013, khu vực này có 206 trường hợp xây dựng nhà xưởng trái phép. Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng VKSND TP Biên Hòa không phê chuẩn.
Ông Năm cho rằng, thời hạn điều tra đã hết và đề nghị Cơ quan điều tra Công an Biên Hòa đình chỉ vụ án theo thẩm quyền và xử lý... hành chính.
Cựu Phó Bí thư tỉnh sai từ lúc làm lãnh đạo sở
Trong nhiệm kỳ này, Ban Bí thư đã quyết định cách hết chức vụ, đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cũng là người tiền nhiệm của ông Hồ Văn Năm tại Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Trước đó, Ban Bí thư đã yêu cầu Ủy ban kiểm tra Trung ương lập đoàn kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai. Đoàn công tác đã xác định bà Thanh vi phạm rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ đảng viên và nhân dân nên đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỉ luật.
Trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) bà đã thiếu trách nhiệm trong triển khai dự án Khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) “gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo hồ sơ tài liệu, năm 1996, UBND tỉnh Đồng Nai cho Sở Công nghiệp lập dự án khu nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên với diện tích gần 1,6ha. Sở được phép huy động tiền để có vốn thực hiện dự án, phân thành 121 lô nền, cấp cho cán bộ, công nhân viên tự xây dựng nhà ở.
|
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai |
Trong thời gian làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014) bà Thanh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ phân công và ký nhiều văn bản trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp gia đình. Cụ thể: Bà Thanh ký văn bản sai thẩm quyền để cho dự án Công ty TNHH Cường Hưng (do ông Đỗ Tịnh chồng bà Thanh làm giám đốc) để được hưởng lợi, ký báo cáo dự án không trung thực so với tiến độ dự án…
Theo hồ sơ, sau khi thành lập Công ty TNHH Cường Hưng, bà Phan Thị Mỹ Thanh chủ trì các cuộc họp, điều hành công ty, tham gia điều hành, can dự vào nhiều hoạt động của công ty Cường Hưng trong suốt giai đoạn đang là Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho đến khi giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh. Bà Thanh còn lợi dụng cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy nội địa, mặt bằng, vật liệu xây dựng, dù lĩnh vực này do một phó chủ tịch khác phụ trách.
Có nhiều sai phạm nhưng đường quan lộ của bà Phan Thị Mỹ Thanh khá hanh thông. Sau một thời gian làm Phó giám đốc Công ty gỗ Tân Mai, bà Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) kiêm bí thư Đảng ủy sở. Sau khi có quy hoạch “Thành phố mới Nhơn Trạch”, bà Thanh được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch.
Sau đó, bà Thanh được rút về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cơ cấu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy. Tại đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020, bà Thanh được bầu làm phó bí thư Tỉnh ủy.
Liên quan đến vấn đề trên, trong mấy ngày qua, PV Tiền Phong đã cố gắng liên lạc để phỏng vấn về công tác cán bộ nhưng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường không phản hồi.
CSGT tiêu cực, lên chức cao hơn
Cuối năm 2017, ký giấy mời các tài xế liên quan đến trạm BOT Biên Hòa lên làm việc, dư luận bất ngờ khi biết Thượng tá Võ Đình Thường (sinh năm 1967), người có liên quan đến vụ tiêu cực của Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Dầu Giây năm xưa và bị điều chuyển khỏi lực lượng CSGT đã trở lại và đang giữ chức cao hơn là Phó phòng CSGT Công an tỉnh. Cụ thể: Năm 2003, Thượng tá Thường là Trạm trưởng Trạm Dầu Giây bị kỷ luật ra khỏi lực lượng CSGT. Công an tỉnh thời điểm đó kết luận ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.