Chiều 16/3, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp thẩm vấn thân chủ và những người liên quan trong vụ án. Bị cáo Diệp tiếp tục cho rằng hợp đồng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng là giả mạo.
"Tôi nghĩ cái sai của mình không phải lừa đảo"
Bà Diệp lý giải trong văn bản thông báo đăng ký thế chấp của Sở TN&MT gửi UBND quận 3, Sở Xây dựng đề ngày 31/12/2000. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp thể hiện ngày 31/12/2008. Bị cáo cho rằng điều này là vô lý khi thông báo thế chấp có trước hợp đồng thế chấp đến 8 năm.
Theo cáo buộc, sau khi bà Diệp được cấp giấy tờ sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo không rút thủ tục thế chấp tài sản 57 Cao Thắng tại Agribank để bàn giao quyền sở hữu khu đất cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như cam kết. Thực tế, bà Diệp lại mang quyền sở hữu tài sản 185 Hai Bà Trưng đến thế chấp tại Sacombank, đến nay không còn khả năng trả nợ.
|
Toàn cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm. Ảnh: Chí Hùng.
|
Về điều này, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương thừa nhận bản thân có sai khi đem nhà đất 185 Hai Bà Trưng thế chấp cho Sacombank khi chưa giải quyết xong các vấn đề liên quan đến nhà 57 Cao Thắng với Agribank.
"Tôi sai nhưng tôi nghĩ cái sai của mình không phải lừa đảo. Tôi đã xây và giao nhà 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ, còn pháp lý thì có vướng mắc nên tôi, Sở TN&MT và Agribank nhiều lần ngồi cùng nhau để giải quyết", bà Diệp trình bày.
Trước đó, trong phần trả lời thẩm vấn của luật sư về việc hợp đồng thế chấp của Công ty Diệp Bạch Dương được ký từ năm 2000, bà Diệp nói tài liệu giả mạo vì Công ty Diệp Bạch Dương được thành lập năm 2002 thì năm 2000 chưa hề có công ty để ký hợp đồng thế chấp tài sản.
Tòa nhắc nhở thái độ của bà Diệp
Cuối phiên tòa sáng 16/3, thẩm phán Phạm Lương Toản - chủ tọa phiên tòa - đã gay gắt yêu cầu lực lượng dẫn giải đưa bà Dương Thị Bạch Diệp về chỗ ngồi, không cho tiếp tục trình bày.
Khi luật sư Hà Thị Xuyến (người bào chữa cho bà Diệp) đặt câu hỏi rằng trong suốt quá trình xét xử, bà Diệp xác định không thế chấp nhà 57 Cao Thắng cho bất kỳ khoản vay nào, đề nghị bị cáo bình tĩnh nhớ lại có chứng cứ cơ sở nào để chứng minh hay không. Lúc này, chủ tọa lưu ý: "Câu hỏi này bị cáo đã trả lời với luật sư Phan Trung Hoài".
"Chứng cứ chứng minh tôi không thế chấp thì tôi chưa được trình bày", bà Diệp giãi bày. Vị chánh án cho phép bị cáo tiếp tục nói.
Tuy nhiên, khi bị cáo Diệp đề cập đến quá trình nhận giấy chủ quyền nhà 57 Cao Thắng rồi sau đó nộp, làm việc với Sở TN&MT như thế nào thì ông Phạm Lương Toản ngắt lời: "Đó là chứng cứ bị cáo đã trình bày trước đó rồi nên đề nghị không trình bày lại".
|
Chánh án Phạm Lương Toản nhắc nhở thái độ của bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: Chí Hùng.
|
Bà Diệp vẫn không hợp tác nên HĐXX yêu cầu bị cáo về chỗ. "Biên bản phiên tòa đã ghi nhận việc này. Bị cáo đã trình bày không chỉ 1 lần mà 2-3 lần. Đề nghị bị cáo về chỗ", chủ tọa nhắc nhở.
"Dạ không, tôi chưa trình bày biên nhận công ty tôi nộp”, bà Diệp lớn tiếng và cho rằng HĐXX đang không cho bà trình bày.
"Đề nghị đưa bị cáo Diệp về chỗ, cái này đã trình bày rồi... Tôi nhắc là nếu bị cáo Diệp còn giữ thái độ như vừa xảy ra thì HĐXX xin các vị luật sư, những người tham gia tố tụng chia sẻ việc này và HĐXX sẽ cắt vì không nghe sự điều hành của HĐXX", chủ tọa nhấn mạnh.
Sau phần thẩm vấn của luật sư Phan Trung Hoài, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương nói muốn trả lại giấy tờ nhà đất 185 Hai Bà Trưng cho Nhà nước.
"Tôi thấy quá khổ rồi, không muốn đổi chác nữa. Tôi sẽ giải quyết giấy tờ nhà đất 185 Hai Bà Trưng để trả cho Nhà nước. Tôi chưa biết Nhà nước quyết định thế nào, nhưng không hoán đổi nữa. Nợ Agribank tôi sẽ trả, trả đúng khoản chúng tôi vay", bà Diệp nói.