Bà Hứa Thị Phấn – (bà Sáu Phấn, SN 1947, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) qua đời vào trưa 13/2. Bà Phấn là người bị tuyên phạt tổng 30 năm tù trong hai vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank và chưa thi hành án.
Đáng chú ý, trong số 18.000 tỷ đồng phải bồi thường, đến cuối năm 2022, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, vụ bà Hứa Thị Phấn đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng nữa, cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên.
|
Bà Hứa Thị Phấn. |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho biết, về trách nhiệm hình sự, khi bà Phấn qua đời, phần còn lại của bạn án hình sự sẽ bị đình chỉ thi hành. Đối với phần trách nhiệm dân sự có thể vẫn được thực hiện đối với phần di sản do nữ đại gia này để lại (nếu có).
“Theo luật thi hành án hình sự Việt Nam chỉ có người còn sống mới phải chấp hành hình phạt, trường hợp người phải thi hành án hình sự tử vong, bản án đó sẽ bị đình chỉ thi hành”, ông Cường nói.
Về trách nhiệm bồi thường của bà Phấn theo Tổng cục Thi hành án dân sự, đến cuối năm 2022 đã thi hành được gần 7.000 tỷ đồng. Số tiền cần thu hồi còn lại, cơ quan chức năng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên.
Theo quy định của pháp luật, người bị kết án còn có thể phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Bởi vậy, đối với các tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản của bà Phấn đã bị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của luật thi hành án.
Về nguyên tắc, khi một người chết đi có để lại di sản thì di sản đó sẽ thuộc về những người thừa kế, đồng thời những người thừa kế có trách nhiệm phải thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại.
Bởi vậy, nếu bà Hứa Thị Phấn qua đời mà để lại di sản, giá trị di sản đó sẽ được thanh toán để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật về phần bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Sau khi thực hiện hết nghĩa vụ mà vẫn còn di sản mới chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Liên quan vấn đề trên, trao đổi với báo chí, một trong các luật sư từng bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn cho biết, trong các bản án bà Hứa Thị Phấn đang phải chấp hành, tòa án đều tuyên bà Phấn phải có trách nhiệm bồi thường cho nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau nên sau khi bà mất, những người thừa kế tài sản của bà Phấn có nghĩa vụ thực hiện bồi thường theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, những người thừa kế tài sản mà bà Phấn để lại có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi di sản mà bà Hứa Thị Phấn để lại. Những người kế thừa này không có nghĩa vụ phải bồi thường trong trường hợp tài sản bà Phấn để lại không đủ để khắc phục hậu quả, trừ trường hợp họ tự nguyện dùng tài sản cá nhân (không phải phần tài sản thừa kế) bồi thường cho các bị hại trong vụ án.
Theo luật sư này, hiện các con của bà Phấn đang sinh sống ở nước ngoài. Trước khi chết, bà Phấn không có di sản thừa kế để lại. Theo nguyên tắc, không có quyền lợi không có nghĩa vụ nên những hàng thừa kế của bà Phấn không có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại nếu có sau khi thu hồi hết tài sản của bà Phấn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tài sản tham nhũng nghìn tỷ đi đâu, về đâu?