Vượt hàng trăm cây số, cô giáo Đào Thị Nhàn ở huyện Cam Lộ lên công tác tại điểm trường Chai, trường Tiểu học Tà Long, huyện Đakrông đã 3 năm nay.
Đối với cô Nhàn, cuộc sống và công tác tại thôn Chai gặp không ít khó khăn. Những năm đầu, do thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có điện thắp sáng, không hiểu tiếng các em nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Tất cả những điều đó, cô và các giáo viên nơi đây có thể vượt qua, nhưng mong muốn lớn nhất của họ là có được nơi ở không còn tạm bợ, dột nát.
Theo chính quyền huyện Đakrông, từ chương trình 30 của Chính phủ và chương trình kiên cố hóa trường lớp học đã giúp cho cơ sở hạ tầng của các trường từng bước được nâng lên, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho giáo viên, giúp họ yên tâm công tác.
|
Huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi
yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp.
|
Từ năm 2008 đến nay, huyện đã xây dựng được 77 phòng ở công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, để các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác thì địa phương vẫn còn thiếu 68 phòng ở công vụ cho giáo viên.
Ông Nguyễn Sỹ Huấn - Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đakrông, Quảng Trị cho biết: Hiện nay chương trình kiên cố hóa trường lớp học đã hết tiếp tục kêu gọi hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, chúng tôi tiếp tục đề nghị UBND huyện huy động nguồn vốn bằng nguồn vốn 30A của chính phủ để xóa điểm trường tạm, trường mượn xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm công tác phục vụ tốt chuyên môn của mình.
Có thể thấy, nhu cầu được dạy học ở nơi có điều kiện tốt là điều chính đáng của mọi giáo viên. Lúc đó họ thêm yêu nghề, yêu mảnh đất nơi họ cống hiến. An cư lạc nghiệp có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với giáo dục vùng cao. Từng bước góp phần phát triển toàn diện giáo dục, hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững.