Sau một cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng, quyền kiểm soát thành phố Mariupol cuối cùng đã được giao cho Nga. Việc rút quân này có thể đánh dấu sự kết thúc của cuộc giao tranh lâu nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết, Tiểu đoàn Azov cố thủ trong Nhà máy thép Azovstal, đã đầu hàng vô điều kiện.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ ngày 16 đến 20/5, đã có 2.439 binh lính của Ukraine (trong đó chủ yếu là quân của Tiểu đoàn Azov) cố thủ trong Nhà máy thép Azov ở Mariupol, đã hạ vũ khí và đầu hàng, trong đó có 51 người bị thương nặng.
|
Xe chở binh lính Ukraine tại Nhà máy thép Azovstal ra hàng. Nguồn Sina
|
Điều thú vị là, tuyên bố chính thức của Ukraine, như những gì Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Maliar nói, là "các quân nhân Ukraine, bao gồm cả những người bị thương nặng, đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và sơ tán đến khu vực do Nga kiểm soát", vậy điều này có nghĩa là gì?
Theo giới phân tích, việc Ukraine phản kháng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine quả thực có chút bất ngờ. Ai có thể ngờ rằng, từ cuối tháng Hai đến giữa tháng Năm, phía Ukraine có thể giao chiến với Quân đội Nga ở Mariupol trong gần ba tháng?
Tuy nhiên việc Lực lượng vũ trang Ukraine tại Nhà máy thép Azovstal ra hàng quân Nga, đánh dấu chính thức việc quân Nga giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược Mariupol. Đây là thắng lợi lớn của Nga đã được phương Tây công nhận.
|
Bà Anna Maliar, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine.
|
Dự đoán diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột Nga – Ukraine
Vậy cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp theo sẽ diễn biến như thế nào? Cho dù đó là phương tiện truyền thông Nga hay một số phương tiện truyền thông phương Tây, tất cả đều tập trung vào hai điểm:
Thứ nhất, nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, biển Baltic gần như sẽ trở thành biển “nội địa” của NATO. Phản ứng chính hiện nay của Nga là rút khỏi Hội đồng các nước Baltic. Ở các khía cạnh khác, Nga đã không đưa ra những lời lẽ gay gắt cũng như không có hành động quân sự rõ ràng.
|
Thành phố Mariupol tan hoang sau ba tháng chiến tranh. |
Thứ hai, truyền thông phương Tây cho rằng Quân đội Nga sẽ mở các chiến dịch ở thành phố Severodonetsk của khu vực Donbass.
Nhưng một số nhà phân tích quân sự lại cho rằng, hướng tấn công chính của Quân đội Nga trong tương lai, có thể là tiến về phía nam dọc theo bờ Biển Đen đến Odessa. Điều này thể hiện ở ba tình huống:
Thứ nhất, thành phố Odessa đã phải chịu áp lực kể từ khi Quân đội Nga tiến vào Ukraine, để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhiều loại tên lửa khác nhau, đã được quân Nga sử dụng, để tấn công các mục tiêu khác nhau ở thành phố Odessa, bao gồm sân bay, trung tâm mua sắm Riviera và cầu đường sắt.
Phía Nga từng cho rằng, Trung tâm mua sắm Riviera đã bị Quân đội Ukraine cố thủ và biến thành mục tiêu quân sự, cần phải nhanh chóng phá hủy.
|
Tình hình chiến sự ở thành phố Odessa ngày càng leo thang.
|
Thứ hai, cuộc giành quyền kiểm soát giữa Nga và Ukraine trên Đảo Rắn vẫn chưa dừng lại kể từ tháng Hai.
Đảo Rắn rộng 0,17 km vuông ở Biển Đen, cách Odessa 40 km, có vị trí cực kỳ quan trọng và là chìa khóa phong tỏa lối ra vào Biển Đen của Ukraine.
Ngay từ ngày 24/2, Quân đội Nga tuyên bố đã chiếm được Đảo Rắn và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thời điểm đó nói rằng, tất cả 13 chiến binh trên Đảo Rắn đều đã tử trận, và tinh thần hy sinh vì đất nước là điều đáng khen ngợi.
Phía ngược lại, Nga đã phát hành một video, trong đó chiếu cảnh 82 binh sĩ Ukraine đóng trên đảo Rắn đã bị Quân đội Nga bắt sống, họ lần lượt bước xuống xe và tiến vào trại tù binh ở Crimea.
Sau hơn hai tháng Đảo Rắn bị phía Nga chiếm đóng, trước khi cuộc duyệt binh của Nga diễn vào ngày 9/5, Ukraine hy vọng sẽ chiếm lại Đảo Rắn.
Phía Ukraine đã huy động chiến đấu cơ Su-24, Su-27 cùng các loại UAV chiến đấu và trực thăng Mi-8, Mi-24 đã được điều động. Nhưng kết quả là quân Ukraine đã thất bại nặng nề.
|
Đảo Rắn, nơi Quân đội Ukraine tái chiếm thất bại hôm 8/5.
|
Thứ ba, Ukraine vẫn đang xuất khẩu lúa mì qua cảng Odessa. Ban đầu phía Ukraine vận chuyển lúa mì sang châu Âu bằng đường bộ, nhưng lần này được xuất khẩu bằng đường biển từ cảng Odessa.
Có thể thấy, Nga vẫn chưa nới lỏng áp lực quân sự đối với Odessa, và Ukraine vẫn đang cố gắng hết sức để phát huy vai trò thương mại của Odessa, như một cảng chính, bằng cách sử dụng các cuộc tiếp xúc thương mại, để thu hút sự chú ý của phương Tây.
|
Tên lửa Nga tấn công vào thành phố Odessa.
|
Vai trò của thành phố Odessa trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga
Odessa có quan trọng đối với "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga? Nếu nhìn vào tháng 2, Quân đội Nga đã đổ bộ sân bay Antonov ở Ukraine và muốn đánh thẳng vào Kiev.
Chiến lược này của Nga nhằm mục đích làm tê liệt hệ thống chỉ huy quân sự và chính trị của Ukraine, do đó Odessa không phải là hướng tấn công chính của Quân đội Nga.
Nhưng sau khi Quân đội Nga rút về Donbass, tình hình đã khác. Lấy việc Quân đội Nga kiểm soát toàn bộ thành phố Mariupol làm mốc thời gian, vào ngày 16/5 theo giờ địa phương, Nga đã thực sự kiểm soát các khu vực Donbass và Kherson ở miền đông Ukraine.
|
Bản đồ chiến sự giữa Nga và Ukraine hiện nay
|
Nói cách khác vào thời điểm hiện tại, Ukraine thực sự không có quyền tiếp cận biển ở Biển Azov; toàn bộ Biển Azov đã do Nga kiểm soát.
Sau khi Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Donbass, các khu vực ven biển Kherson, và toàn bộ bán đảo Crimea, nếu Quân đội Nga chiếm được Odessa trong bước tiếp theo, đồng nghĩa với việc tất cả các cảng thông ra biển của Ukraine sẽ bị phong tỏa.
Như vậy Ukraine sẽ không có quyền tiếp cận biển. Nếu tình trạng này cuối cùng được cả Nga và Ukraine công nhận, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia không giáp biển.
Và cuối cùng, Odessa là “cái gai” mà Quân đội Nga cần phải nhổ bỏ, khi tuần dương hạm Moscow của Hạm đội Biển Đen bị tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine đánh chìm; vậy tên lửa Neptune được phóng từ đâu, đó chính là từ Odessa.
|
Tuần dương hạm Moscow chìm trên biển Đen.
|
Nga không đủ sức chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận
Hãy nhìn Phần Lan và Thụy Điển gần đây đang chuẩn bị gia nhập NATO. Theo các chuyên gia phân tích, nếu hai nước Bắc Âu gia nhập NATO, thì biển Baltic gần như trở thành biển nội địa của NATO.
Nga có thể nuốt được “cục tức” này không? Rõ ràng, một khi tình hình chuyển sang tình thế như vậy, Moscow chỉ có thể chịu đựng trước mắt mà thôi, vì hiện tại, Nga không đủ sức để chiến đấu trên hai mặt trận ở châu Âu.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nguyên là cựu Tổng thống và Thủ tướng Nga, ông Medvedev đã viết trên trang Telegram của ông cách đây vài ngày:
"Kho vũ khí hiện đại, đáng tin cậy và hiệu quả của Nga hiện nay, có thể dập tắt tham vọng của những kẻ muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, có thể là chính họ hoặc bởi người khác.
Nhưng chúng ta sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Nhưng cần phải chỉ ra rằng, nếu đất nước chúng ta và đồng minh bị tấn công, thì chúng tôi sẽ đáp trả ngay lập tức và mạnh mẽ, trước bất kỳ mối đe dọa nào với nước Nga”.
|
Cựu Thủ tướng Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga.
|
Theo quan điểm của những nhà phân tích, những lời của cựu Thủ tướng Medvedev đã được truyền tai nhau đến phương Tây qua mạng xã hội. Nói cách khác, chừng nào Thụy Điển và Phần Lan không có động thái hấp tấp nào theo hướng quân sự hóa, thì phía Nga sẽ chịu đựng.
Ví dụ, ngay cả khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, miễn là NATO không vận chuyển vũ khí lớn vào lãnh thổ của hai quốc gia này và gây ra mối đe dọa trên thực tế đối với Nga, thì có thể mối quan hệ giữa Nga, Thụy Điển và Phần Lan có thể được duy trì bình thường.
|
Những quả bom FAB-500 của Không quân Nga sẵn sàng đưa vào chiến đấu.
|
Nhưng khả năng cao là Nga sẽ giành lại được thứ gì đó ở chiến trường Ukraine. Vì phương Tây đã làm không gian sinh tồn của Nga ở biển Baltic đến mức “không thể nhỏ hơn được nữa”, vậy liệu Nga có giảm không gian sinh tồn của Ukraine?
Nếu nhìn từ góc độ này, đối với chính quyền Kiev, Odessa đang gặp nguy hiểm.