|
EVN ghi nhận doanh thu 161.284 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2019, tăng 17,95% so với cùng kỳ năm 2018. |
Bộ Tài Chính mới đây đã có Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, sau sau 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu của 136 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 344.944 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu lớn như EVN đạt 161.284 tỷ đồng, tăng trưởng 17,95% so với cùng kỳ năm 2018; TKV đạt 52.212 tỷ đồng, tăng 11,89% so với cùng kỳ năm 2018; Viettel đạt 43.065 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018; VNPost đạt 11.505 tỷ đồng, tăng 26,72% so với cùng kỳ năm 2018.
Song hành cùng mức tăng trưởng doanh doanh thu tương đối ấn tượng, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp kể trên cũng đóng góp đáng kể vào con số tổng lợi nhuận sau thuế đạt 29.869 tỷ đồng của 136 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Theo đó, Viettel là doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lợi nhuận lớn nhất. Dù về số tuyệt đối, lợi nhuận sau thuế của Viettel giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2018, song doanh nghiệp vẫn ghi nhận con số lợi nhuận lên tới 18.842 tỷ đồng. Các doanh nghiệp xếp sau Viettel trên bảng xếp hạng lợi nhuận đều bị bỏ lại với khoảng cách khá xa như SCIC chỉ ghi nhận lợi nhuận 3.146 tỷ đồng, TKV là 2.238 tỷ đồng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là 1.141 tỷ đồng.
Từ đây, dễ dàng nhận thấy tỷ suất sinh lời và biên lợi nhuận của Viettel lớn hơn rất nhiều so với hai doanh nghiệp khác sở hữu số doanh thu lớn hơn là EVN và TKV.
Còn trong số nộp ngân sách 37.377 tỷ đồng, Viettel vẫn dẫn đầu với 17.006 tỷ đồng. Xếp sau Viettel là TKV, EVN và SCIC với số nộp ngân sách lần lượt là 4.727 tỷ đồng, 3.981 tỷ đồng và 2.262 tỷ đồng.
Song nếu nhìn nhận một cách tổng quan, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bên cạnh có 124 đơn vị kinh doanh có lãi, còn 12 đơn vị kinh doanh lỗ với tổng số lỗ hơn 720 tỷ đồng.
Trong số những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty 15 là 3 đơn vị ghi nhận những khoản lỗ đáng kể trong báo cáo tài chính với số lỗ lượt là 617 tỷ, 37 tỷ và 48 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 9 đơn vị bị chủ sở hữu đánh giá là mất an toàn về tài chính và 7 đơn vị có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
|
Trụ sở Vinalines. |
Đối với riêng Vinalines, dù đã nỗ lực giảm lỗ, thanh lý tài sản không hiệu quả, song BCTC hợp nhất quý II/2019 của doanh nghiệp vẫn cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Doanh thu hợp nhất của Vinalines trong quý II/2019 đạt hơn 5.562 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, mảng vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm 2018. còn gần 2.971 tỷ đồng. Còn mảng khai thác cảng và dịch vụ cảng biển tăng hơn 15% lên gần 2.284 tỷ đồng.
Trong kỳ, Vinalines ghi nhận khoản chi phí tài chính cũng giảm 21%, xuống còn 348 tỷ đồng do đã giảm khoản chi phí lãi vay. Song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinalines vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí, ghi nhận hơn 433 tỷ đồng trong quý II/2019.
Ngoài ra, giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu song giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp trong quý II năm nay của Vinalines đạt 768 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, trong khi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định chỉ ở mức hơn 66 tỷ đồng thì Vinalines phải chi phí tới 442 tỷ đồng cho công tác này, tăng gấp 10 lần so với số chi cùng kỳ. Chi phí khác của Vinalines theo đó cũng tăng lên mức 456 tỷ đồng, gấp gần 7,5 lần cùng kỳ.
Trong báo cáo giải trình, Vinalines cho biết, chi phí khác tăng là do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ sau thuế gần 424 tỷ đồng của tổng công ty này trong quý 2 vừa qua, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ lên tới gần 496 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế của Vinalines đến 30/6/2019 bị đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2019, Vinalines ghi nhận tổng tài sản đạt 26.040 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 3.450 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 2.630 tỷ đồng, tài sản cố định 12.765 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vinalines chỉ đạt 8.748 tỷ đồng, bằng một nửa khoản nợ phải trả. Tổng dư nợ vay và thuê tài chính của Vinalines đã lên đến 8.101 tỷ đồng.