Từ những sai phạm của Bộ Giao thông vận tải…
Trong kết luận thanh tra về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc Bộ GTVT với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Vinalines nhưng chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ còn có nhiều vi phạm.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ; sau đó, lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.
|
Cảng Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN |
Kết luận thanh tra nêu rõ, khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, mặc dù Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2388/VPCP-ĐMDN ngày 22/4/2014, đề nghị Bộ GTVT bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế - an ninh - quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước.
Thậm chí, Vinalines đã có văn bản số 1874/HHVN-TC&QLVG ngày 02/6/2014, gửi Bộ GTVT báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của Cảng Quy Nhơn, lợi ích hiện tại và lâu dài của việc sở hữu 49% vốn so với việc bán hết và đề nghị được duy trì tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Vinalines đã nêu mà tiếp tục có văn bản số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05/9/2014, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại cho phép Vinalines bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản gồm văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014, về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015, về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền.
Vì vậy, 2 văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ Giao thông vận tải.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra.
Đến việc nối dài vi phạm của Văn phòng Chính phủ
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 747/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2013, về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, trong đó tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ là 49% vốn điều lệ.
Tiếp đó, mặc dù đề nghị của Bộ GTVT về việc cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn trình Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 1652/TTg-ĐMDN ngày 08/9/2014, cho bán hết 49% vốn nhà nước là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013, (Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn).
Mặt khác, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu: Sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, làm hạn chế việc cổ phiếu Cảng Quy Nhơn hướng tới giá thị trường, công khai, minh bạch; khó khăn, bất cập khi Nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư.
Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các cá nhân có liên quan của Văn phòng Chính phủ.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
Công ty Hợp Thành thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã không cụ thể điều kiện, tính chất ngành nghề kinh doanh cảng biển.
Công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.
Trách nhiệm thuộc về Tổ giúp việc; Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và HĐTV Vinalines, trong đó trách nhiệm chính thuộc về: Tổ trưởng Tổ giúp việc; Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa và nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines.
Việc mua bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa, Công ty Hợp Thành (Nhà đầu tư chiến lược) đã chậm thanh toán tiền mua cổ phần với số tiền 46.843,272 triệu đồng, vi phạm thời hạn thanh toán nhưng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã không xem xét, xử lý theo Hợp đồng và quy định của Bộ Tài chính.
Trách nhiệm chính thuộc về Công ty Hợp Thành, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn.