Chuyên gia cho rằng, quyết định này của nhà quản lý tiền tệ là động thái "đi trước đón đầu" sau sự kiện Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Lạm phát gia tăng, Thống đốc vẫn quyết giảm lãi suất điều hành
Theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ hôm nay (15/3) lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Điều đáng nói, động thái giảm lãi suất của NHNN được đưa ra trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng (2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023).
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.
Dù vậy, NHNN cho biết "sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay".
Chuyên gia nói gì?
NHNN cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", NHNN khẳng định.
Cho rằng, nhà quản lý tiền tệ hạ lãi suất điều hành sẽ kéo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống – đây là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp. Bởi lâu nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đang "gánh" mức lãi vay cao hơn nhiều so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng bày tỏ băn khoăn rằng có hay không lạm phát "bùng lên" khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Nếu nhìn từ góc độ các ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, NHNN hạ lãi suất điều hành đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực đối với các ngân hàng, buộc các nhà cho vay phải hạ lãi suất huy động. Trong bối cảnh ngân hàng đang "đói vốn" như hiện nay thì rõ ràng, việc kéo giảm lãi suất sẽ gây khó khăn đối với các nhà băng.
"Nhiều người cho rằng thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào vì không cho vay được (tăng trưởng tín dụng chậm lại). Thế nhưng, theo đánh giá của tôi, thực tế các ngân hàng đang khát vốn. Biểu hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng thời gian qua vẫn đang duy trì ở mức cao trên 6%/năm với kỳ hạn qua đêm, các ngân hàng nhỏ cũng buộc phải đẩy lãi suất lên để huy động vốn. Như vậy, việc NHNN kéo giảm lãi suất xuống một mặt kéo giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mặt khác lại đi ngược với tình hình hiện tại của các ngân hàng. Đây là điều rất đáng lưu tâm", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm.
Nhìn ra thị trường thế giới, TS. Hiếu cho biết, theo thông lệ, tại các thời điểm Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, ngân hàng trung ương các nước trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lãi suất theo Fed, vừa giúp ổn định được tỷ giá, vừa kiểm soát lạm phát.
Đến thời điểm hiện tại, Fed vẫn chưa đưa ra thông điệp nào về việc dừng tăng lãi suất trong năm nay 2023. Như vậy, quyết định hạ lãi suất lần này của NHNN không chỉ gia tăng áp lực lạm phát trong nước, mà còn đi ngược chiều so với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới.
Từ thực tế trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc NHNN quyết định hạ lãi suất lần này là do ảnh hưởng từ sự kiện Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
"Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sập tiệm là do các ngân hàng này ôm lượng trái phiếu rất lớn, nhất là Silicon Valley Bank (SVB). Việc Fed tăng lãi suất để "chiến đấu" với lạm phát thời gian qua đã đưa ngân hàng này vào khủng hoảng và phá sản. Chính vì vậy, tất cả các ngân hàng trung ương đặt lại vấn đề, việc tăng lãi suất có đúng hay không và có nên tiếp tục tăng hay không? Việt Nam đã nhanh chân đi trước đón đầu, giảm lãi suất như vừa thực hiện", TS. Hiếu làm rõ.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong "hành lang" lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn là yếu tố quan trọng (lãi suất trần). Tuy nhiên, lãi suất này lại không được điều chỉnh và chỉ hạ lãi suất tái chiết khấu (lãi suất sàn). Điều này chỉ kéo rộng khoảng cách giữa lãi suất sàn và lãi suất trần trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, động thái giảm lãi suất lần này sẽ chủ yếu là tác động tâm lý đối với nhà đầu tư trên thị trường.