Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, gửi tiền ngân hàng nào “lời” nhất?

Google News

Từ đầu tháng 7/2022, mức lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã vượt lên trên 7%/năm. Trong đó, có ngân hàng tăng lên mức 7,55%/năm.

Bước sang tháng 7/2022, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng. Đáng chú ý, các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước cũng nhập cuộc.
Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tăng nhẹ lãi suất các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng thêm 0,1%/năm, lên mức 5,6%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được áp dụng tại ngân hàng này. Đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay và cũng là lần tăng đầu tiên sau 4 năm liên tiếp giảm.
Trước đó, lần đầu tiên trong suốt 3 năm, BIDV điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ở mức 5,6%/năm.
Tại Vietcombank, lãi suất huy động trực tuyến được tăng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Lai suat tiet kiem tang manh, gui tien ngan hang nao “loi” nhat?
 Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm. Ảnh minh hoạ
Tại một số ngân hàng cổ phần tư nhân như Techcombank, TPBank, ACB, SCB, ABBANK...quyết định tăng lãi suất tiền gửi với mức thấp nhất là 0,2% và cao nhất là 1,2% cho kỳ hạn 1 năm.
Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng. Thậm chí, có ngân hàng tăng hơn 1%/năm so với hồi đầu tháng 6/2022.
Đơn cử như HDBank, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng từ mức 5,95%/năm lên tới 7,1%/năm. Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tăng từ 6,1%/năm lên 7,15%/năm.
Eximbank cũng tăng lãi suất thêm 1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 15 - 36 tháng, lên mức 6,5%/năm; các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng được điều chỉnh tăng 0,5%/năm lên mức kịch trần 4%/năm.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trên 7%/năm
Đặc biệt, một số ngân hàng có mức lãi suất trên 7% như Ngân hàng Xây dựng (CBBank) từ 7,15%-7,25%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Tại NamABank, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12-15 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 16-36 tháng là 7,4%/năm.
SHB và Techcombank có mức lãi suất cao nhất là 7,1%, còn HDBank là 7,15%.
KienLongBank cũng huy động tiền gửi tại quầy với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho các khoản gửi kỳ hạn 36 tháng.
Mức lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Cụ thể, SCB niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 7,3%/năm đối với khách hàng gửi tại quầy. Nếu khách hàng gửi tiền online, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,15 - 0,3%/năm theo từng kỳ hạn, nâng lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm.
Thực tế, lãi suất tiết kiệm khách hàng nhận được sẽ phụ thuộc vào biểu lãi suất mà ngân hàng niêm yết. Số tiền gốc ban đầu càng lớn, kỳ hạn gửi càng dài, lãi suất ngân hàng niêm yết càng cao thì tiền lãi nhận được càng lớn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh. Riêng quý I/2022, số dư tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, tiền gửi tăng mạnh phần nào đến từ việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sau 2 năm giữ ở mức thấp.

Video: Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo. Nguồn: VTV24


Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)