Thực tiễn cho thấy các quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo như Israel, Anh, Mỹ, Canada, Singapore đều là những quốc gia gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp tạo tác động xã hội, phát triển kinh doanh từ việc khai thác những vấn đề cấp thiết của xã hội. Những doanh nghiệp này đều vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo tác động tích cực đến cộng đồng.
Theo thống kê ở các nước nói trên, hơn 60% doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội thu được lợi nhuận, tốc độ phát triển lên đến 80% và đa phần đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính phủ. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhằm kích hoạt tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp xã hội trong thanh niên, tạo cơ hội cho thanh niên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp tạo tác động xã hội, tăng cường nhận thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp xã hội nói riêng và khởi nghiệp sáng tạo nói chung ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, UNDP, Citi Foundation, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp - trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng tổ chức Chương trình Hội thảo thanh niên khởi nghiệp sáng tạo xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Youth Co:Lab 2019 từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 4 tại Trường Đại học kinh tế quốc dân.
Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của khoảng 1000 người gồm thanh niên khởi nghiệp, cán bộ hoạch định chính sách khởi nghiệp, các nhà đầu tư, chuyên gia, cán bộ cao cấp Liên Hợp Quốc đến từ 20 quốc gia trong khu vực. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khởi nghiệp tạo tác động xã hội cũng như sự quan tâm của Chính phủ các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ sự kiện, chiều ngày 3 tháng 04 năm 2019 sẽ diễn ra Toạ đàm bàn tròn giữa các quốc gia đi đầu trong trao quyền khởi nghiệp sáng tạo xã hội cho thanh niên tại Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp - trường Đại học Kinh tế Quốc dân với sự tham gia của đại diện chính phủ. Cùng các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp xã hội, các bạn trẻ với đam mê khởi nghiệp xã hội đến từ tám nước Bhutan, Maldives, Nepal, Mongolia, Fiji, Vanuatu, Solomon Islands, Samoa và Việt Nam.
Các nội dung chia sẻ, trao đổi tại toạ đàm này xoay quanh chủ đề làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong thanh niên, các tổ chức học thuật có thể đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội.
Điểm nhấn trong Toạ đàm bàn tròn này chính là những kinh nghiệm nổi bật của phía Việt Nam với điển hình là Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp - trường Đại học Kinh tế Quốc dân - một tổ chức tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp tạo tác động ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện các báo cáo quốc gia thường niên, tổ chức hội thảo quốc tế về doanh nghiệp xã hội, sáng tạo xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội Việt Nam tìm kiếm thị trường, mở rộng kinh doanh, thực hiện ươm tạo và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp tạo tác động. Hiện nay, Trung tâm đã xây dựng được bản đồ số doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam tại website imapvietnam.org.
Sắp tới Trung tâm và Trường Đại học kinh tế quốc dân sẽ triển khai Chương trình đào tạo Thạc sỹ Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (MoSIE) đầu tiên ở Việt Nam.
Việc lựa chọn Việt Nam với đầu mối là Trường Đại học kinh tế quốc dân làm điểm đến cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần này của UNDP và các tổ chức quốc tế không chỉ khẳng định uy tín của đơn vị đăng cai và nước chủ nhà mà điều quan trọng hơn là khẳng định sức hút của thị trường khởi nghiệp sáng tạo xã hội Việt Nam, tiềm năng khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam cũng như xu hướng hội nhập với khu vực và quốc tế của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói chung và sáng tạo xã hội của nước ta nói riêng.