Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực sự trở thành làn sóng cuốn các nước đang phát triển như Việt Nam vào “sân chơi sáng tạo” nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu.
“Sân chơi sáng tạo” mới này đầy hấp dẫn nhưng cũng không ít thách thức, mạo hiểm và rủi ro. Theo thống kê của Startup Genome Report năm 2017, có tới 92% doanh nghiệp khởi nghiệp không “sống sót” được sau khi ra đời, 74% doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet phải đóng cửa do “ảo tưởng sức mạnh”. 50% doanh nghiệp khởi nghiệp trong tất cả các ngành gần như đóng cửa trong vòng năm năm đầu hoạt động.
Do đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần nhìn vào thực tế có thể coi là “nghiệt ngã” này để chuẩn bị cho mình những bước đi vững chắc từ khi lên ý tưởng và kế hoạch khởi nghiệp, tránh những sai lầm và rủi ro dẫn tới đổ vỡ.
Một trong số những nguyên nhân dẫn tới rủi ro và sai lầm mà khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mắc phải là vấn đề thiếu quan tâm, thậm chí thờ ơ đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ, thiếu thông tin nên không biết hoặc không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ mà thường chỉ tập trung đến phát triển sản phẩm, kêu gọi vốn.
Chính vì vậy, nhiều nước coi hoạt động hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là hoạt động quan trọng và tối cần thiết, tạo bước khởi đầu suôn sẻ cho hoạt động của các doanh nghiệp này.
Việc hỗ trợ cung cấp thông tin do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm. Song song với đó là các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân cũng cùng cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như Nhật Bản, từ năm 2015 trở về trước, Trung tâm Thông tin thuộc JPO trực tiếp quản lý cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp của Nhật Bản và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thông tin.
Từ năm 2015 đến nay, JPO không cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp mà giao cho Trung tâm quốc gia về đào tạo và thông tin sở hữu công nghiệp (INPIT) và các công ty tư nhân thực hiện với mục đích tạo ra thị trường thông tin sở hữu công nghiệp, cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp để phục vụ cho cá nhân/doanh nghiệp có nhu cầu.
|
Mô hình cơ sở dữ liệu Sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. |
Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng cho các doanh nghiệp cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng đa dạng của doanh nghiệp, cùng với sự lớn lên nhanh chóng của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nguồn thông tin từ cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ không thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, xu hướng thuê ngoài dịch vụ đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Chính vì thế, cần thiết phải có cơ sở dữ liệu phong phú với các thông tin được cập nhật thường xuyên, công cụ tra cứu hiệu quả, giúp doanh nghiệp khai thác được một cách tối đa các thông tin cần thiết, phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mình và đồng thời cũng rất cần có đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, tra cứu và khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để đáp ứng những nhu cầu nêu trên, mới đây, Viện khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ đã xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp với bộ công cụ khai thác nhanh, thuận tiện, hiệu quả để phục vụ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và giới khoa học cũng như các doanh nghiệp nói chung.
TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết: “Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chia sẻ và cung cấp dịch vụ thông tin về sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp, cổng thông tin sẽ phục vụ tra cứu miễn phí, đồng thời sẽ cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Các thông tin mà Cơ sở dữ liệu cung cấp không chỉ gồm các thông tin phục vụ hoạt động xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà còn cả các thông tin sở hữu công nghiệp khác phục vụ hoạt động thực thi, khai thác quyền sở hữu công nghiệp, quản trị, phát triển tài sản trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ. Không những thế, mạng lưới liên kết của Viện với các tổ chức pháp lý sẽ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp khi doanh nghiệp có nhu cầu”.
Sự ra đời của Cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp hứa hẹn tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo những cơ hội sử dụng các gói dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đồng bộ. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể khai thác có hiệu quả thông tin, tiết kệm thời gian, chi phí, nhân lực và đặc biệt, có cơ sở vững chắc để lập kế hoạch và ra quyết định lựa chọn và đưa sản phẩm đổi mới, sáng tạo có triển vọng cao ra thị trường.
Để được tiếp cận Cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp; được hướng dẫn sử dụng các công cụ khai thác Cơ sở dữ liệu này cũng như làm quen với “dịch vụ đồng bộ về sở hữu trí tuệ”; các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia hai sự kiện liên quan tại Techfest 2018 từ ngày 29/11/2018 đến 01/12/2018.
+ Gian hàng trưng bày: từ ngày 30/11/2018 đến ngày 01/12/2018 tại Trung tâm hội nghị Ariyana (107 Võ Nguyên Giáp, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, tp.Đà Nẵng)
+ Hội thảo giới thiệu: từ 8h00 đến 11h30, ngày 01/12/2018 tại Phòng Hội trường tầng 2, Trung tâm hội nghị Ariyana (107 Võ Nguyên Giáp, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, tp.Đà Nẵng).