Xóa nạn “a dua” trên mạng xã hội

Google News

Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, tình trạng “a dua” trên mạng xã hội xuất phát từ nhận thức về pháp luật và văn hoá sử dụng Internet của người sử dụng.

Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) - nhận định, các nền tảng số xuyên biên giới bùng nổ rất nhanh trong thời gian ngắn tại Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó, nhận thức về pháp luật của người dùng chưa đồng đều, chưa ý thức hết được trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội của mình trong mọi hành vi trên không gian số. Ngoài ra, văn hoá ứng xử của người sử dụng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng chưa theo kịp môi trường giao tiếp mới.
Xoa nan “a dua” tren mang xa hoi
 Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam.
Ông Văn cho rằng, ở Việt Nam, phần lớn những người ảnh hưởng trên mạng xã hội nhiều khi chưa được trang bị năng lực, kiến thức để hiểu đúng vai trò của mình. Xã hội đang dịch chuyển sang mối quan hệ mở rộng không giới hạn, đặc biệt trên môi trường Internet. Khi độ mở đạt đến mức gần như tối đa, không biên giới, chính những Facebooker, Tiktoker, KOL chưa ý thức được đầy đủ tác động đối với xã hội từ những hành vi trên không gian mạng của mình. Điều này dẫn đến những sai phạm, gây nguy hại cho xã hội, thậm chí bị xử lý hình sự như các vụ livestream của một số người ảnh hưởng thời gian vừa qua.
Ông Văn nhận định, sự phát triển của Internet và mạng xã hội không thể tránh khỏi trong biển thông tin vẫn còn thông tin xấu. Mức độ của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội hiện nay rất đa dạng và khá nghiêm trọng, từ cung cấp thông tin không chính xác, dễ dẫn đến lan truyền nhiều thông điệp tiêu cực. Một số tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật có thể lợi dụng sự bức xúc của dư luận để dẫn dắt vấn đề theo hướng có lợi cho họ, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội; hay là những hiện tượng lợi dụng lòng tin đề lừa đảo, phục vụ kinh doanh bất hợp pháp...
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, văn hoá sử dụng Internet và mạng xã hội của người dân, cơ quan chức năng cần có các giải pháp công nghệ để hỗ trợ kiểm soát. Có một số công cụ để khoanh vùng như Lắng nghe mạng xã hội (Social listening); các công nghệ giám định độ chính xác…
Tuy nhiên, để kiểm soát được những vấn đề này toàn diện, phải có sự tham gia của chính các nền tảng mạng xã hội. Họ sở hữu cộng đồng, hiểu rõ hành vi của người dùng và cần phải phối hợp cơ quan chức năng để xử lý sai phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Điểm lại những xu hướng “bùng nổ” trên mạng xã hội năm 2023:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)