Nhận thức mơ hồ
Vụ việc người mẫu Nam Em livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội với nhiều nội dung công kích, réo tên các nghệ sĩ, người nổi tiếng khác đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đề cập đời tư một số nghệ sĩ nhưng Nam Em chỉ nói tắt tên, hoặc đưa đặc điểm nhận dạng để tạo dư luận bàn tán, bóc mẽ họ. Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cùng vào cuộc, phối hợp kiểm tra và sớm tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng vào cuộc xử lý vụ Nam Em livestream “bóc phốt” nghệ sĩ
|
Hành động gây xôn xao dư luận của Nam Em một lần nữa dấy lên lo ngại về cách ứng xử, chuẩn mực hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Với những phát ngôn có phần mất kiểm soát, thiếu căn cứ và mang mục đích hạ bệ đồng nghiệp, Nam Em dường như không nhận thức được trách nhiệm pháp lý mà cô phải đối mặt. Đây không phải trường hợp cá biệt, bởi một số người nổi tiếng, TikToker khác cũng thường xuyên sử dụng chiêu trò lôi kéo sự chú ý bằng cách bới móc đời tư người nổi tiếng, tung tin mập mờ để gây bàn tán, tranh cãi.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm, phần lớn người dùng mạng xã hội có cách bàn bạc, chia sẻ quan điểm theo hướng nặng chê bai phê phán, nghệ sĩ không nằm ngoài số đó. Việc làm tương tự như Nam Em phần nào xuất phát từ tâm lý muốn được chú ý. Các TikToker, người nổi tiếng có thể kiếm bộn tiền khi các nền tảng mạng xã hội trả tiền cho tài khoản có nhiều lượt xem, theo dõi. Không ít người lợi dụng việc này để bán hàng online, kiếm tiền quảng cáo.
Trong bối cảnh nhiễu loạn livestream, bội thực những thông tin thiếu kiểm chứng, người dùng mạng xã hội và nhất là người nổi tiếng, nghệ sĩ càng phải cẩn trọng. Họ có ảnh hưởng nhất định tới cả trăm nghìn, cả triệu người theo dõi. Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ông nhìn nhận, không chỉ có hiện tượng một số người bất chấp làm trò để thu hút sự chú ý và trở nên nổi tiếng, nghệ sĩ đôi khi khó giữ mình, cũng dễ bị chỉ trích vì háo danh, hám lợi. Biểu hiện rõ ràng nhất là hành vi thiếu văn minh khi livestream trên mạng.
|
Bà Phương Hằng từng bị xét xử vì hành vi livestream bôi nhọ người khác Ảnh: TL
|
“Nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm khiến nhiều người nổi tiếng đánh mất hình ảnh. Họ vừa tạo cái nhìn xấu với công chúng, vừa chưa thực hiện được vai trò định hướng, nhận thức của mình”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, livestream trên mạng xã hội là một trong những hình thức thể hiện quyền tự do dân chủ. Dưới góc độ pháp lý, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến đối với các vấn đề xã hội, thậm chí nhận xét, khen chê hoặc bày tỏ quan điểm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đây là quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện cho người dân.
“Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mọi công dân, cơ quan, tổ chức. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân khác. Chính vì vậy, khi đưa ra những thông tin trên không gian mạng đòi hỏi thông tin đó là phải chính xác, người đưa thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đó”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Tội vu khống có thể bị xem xét xử lý hình sự
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy mức độ vi phạm. Trong trường hợp biết rõ sự việc không có thật nhưng vẫn loan tin bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc tố cáo người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể, tội danh vu khống có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, ở mức độ xử phạt nặng hơn, người vi phạm có thể bị phạt 3-7 năm tù.
Điều 8, Điều 16, 17 và 18 của Luật An ninh mạng quy định rõ việc đưa thông tin sai sự thật hoặc thu thập trái phép dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân hoặc vu khống, làm nhục, xúc phạm người khác hoặc đưa những thông tin mà bị cấm liên quan đến bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình lên không gian mạng là “hành vi vi phạm pháp luật”. Ông Đặng Văn Cường nhấn mạnh, dù thông tin được đăng tải trên mạng xã hội là sự thật nhưng là bí mật đời tư, bí mật cá nhân không có sự cho phép của chính chủ, hành vi này hoàn toàn vi phạm pháp luật.
“Việc các nghệ sĩ livestream và đưa những thông tin mang tính chất bóc phốt người khác sẽ bị xem xét. Bởi trong trường hợp đăng tin ẩn ý, nói lái nhưng nhắm đến người cụ thể và người bị tố cáo là thông tin sai sự thật, vu khống, làm nhục thì đều bị xử lý. Không nên nghĩ rằng mình không nói tên đầy đủ sẽ không bị xử lý”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư khẳng định, hành vi đưa thông tin sai sự thật hoặc lợi dụng không gian mạng để xúc phạm người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng, hành lang pháp lý và công tác tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò quan trọng để nắn lại ứng xử của người có tầm ảnh hưởng trên mạng. Dù có Luật An ninh mạng nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Bởi vậy, hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần được nâng cao. Cơ quan quản lý, nền tảng mạng không bao che, dung túng hành vi xấu, ảnh hưởng đến người dùng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất giải pháp tăng cường xử phạt, có thể xem xét hình thức hạn chế xuất hiện đối với một số vi phạm của nghệ sĩ nếu phát ngôn thiếu chuẩn mực.