Vụ "chuyến bay giải cứu": Người nhận hối lộ nhiều nhất khai gì?

Google News

Theo lời khai của Phạm Trung Kiên, khi thấy hành vi phạm tội của mình sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất tử hình nên rất sợ, chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực.

Ngày 14/7, phiên sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tham gia xét hỏi của luật sư.
Từng muốn chết khi biết phải chịu khung hình phạt lên đến tử hình
Trả lời luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được xác định là người nhận hối lộ nhiều nhất, hơn 42 tỷ đồng, số lần nhận tiền cũng nhiều nhất 253 lần cho biết, có lúc có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, nghiên cứu hồ sơ vụ án, có hồ sơ bệnh án chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần cấp đa đạng không có triệu chứng tâm thần phân liệt sau nhiễm COVID-19.
Vu
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế 
Bị cáo Phạm Trung Kiên trình bày, sau ngày 24/1, bị cáo bị nhiễm COVID - 19 với diễn biến nặng, phải nằm viện một thời gian.
Khi ra viện, bị cáo biết tin về việc khởi tố vụ án nên chịu sức ép nặng. Đến lúc phải làm việc với cơ quan điều ra, bị cáo tìm hiểu thì thấy hành vi phạm tội của mình sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình.
“Khi đó, bị cáo rất sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực. Và thực tế thì bị cáo đã có thời gian điều trị tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội”, bị cáo Kiên khai báo.
''Thứ trưởng ký rồi, anh phải chuyển tiền mới có dấu''
Trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên cho hay, các doanh nghiệp chủ động tìm đến mình và không hứa hẹn gì, thấy có doanh nghiệp đến nhờ thì nhận lời giúp đỡ.
Theo lời Kiên, các doanh nghiệp chủ động tìm đến bị cáo, bị cáo không có hành động gì gây khó khăn, làm chậm tiến độ của các doanh nghiệp. “Có ba doanh nghiệp đề cập với bị cáo về mức bồi dưỡng thì bị cáo nói với họ, các bộ, ngành như thế nào thì Bộ Y tế như vậy”, bị cáo Kiên khai.
Tại phiên xét xử ngày 13/7, Kiên thừa nhận đã đề xuất một số doanh nghiệp đưa tiền để được phê duyệt chuyến bay. Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền hối lộ. Thời gian giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, bị cáo Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách khác với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Kiên thừa nhận, toàn bộ số tiền nhận hối lộ được chuyển qua tài khoản của mẹ vợ. Sau khi vụ án được khởi tố, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp tổng số hơn 12 tỷ đồng. Số tiền này đã được nộp lại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Trả lời xét xử, nhiều bị cáo là doanh nghiệp ''tố'' bị cáo Kiên quát tháo, ép doanh nghiệp phải đưa tiền, có doanh nghiệp phải trình bày khó khăn xin giảm bớt số tiền hối lộ.
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vijasun một lần nữa trình bày về việc Kiên quát tháo. Cụ thể, tháng 8/2021, bị cáo Dương đến liên hệ nhờ và được bị cáo Kiên đồng ý trình cấp trên giải quyết cấp phép “chuyến bay giải cứu” cho Công ty cổ phần Vijasun. Bị cáo Kiên yêu cầu phải chi 150 triệu đồng một chuyến bay.
“Bị cáo nhớ rõ việc bị cáo Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky trong một phòng họp của Bộ Y tế. Lúc đó, bị cáo Sơn xin 100 triệu đồng một chuyến bay, nhưng bị cáo Kiên vẫn đòi 150 triệu đồng một chuyến bay”, bị cáo Dương khai.
“Công ty cổ phần Vijasun của bị cáo được cấp phép 17 “chuyến bay giải cứu” và bị cáo Kiên bị ép chuyển trước 150 triệu đồng một chuyến mỗi khi cấp phép”, bị cáo Dương nói và khẳng định: “Bị cáo và công ty của bị cáo bị ép phải đưa tiền, chứ bị cáo không muốn đưa”.
Theo lời khai của Dương: “cứ 8h30, bị cáo đến thang máy Tòa nhà Lotte là bị cáo Kiên gọi điện. Đang dịch, cấm nghe điện thoại trong thang máy, nhưng khi Kiên gọi liên tục thì bị cáo phải cho nhân viên nghe. Rồi nhân viên báo lại, anh Kiên muốn gặp anh và lại đòi tiền. Anh Kiên gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay và nói, Thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền thì có dấu”, bị cáo Dương khai rõ.
Bị cáo Vũ Minh Thắng, Công ty Thuận An khai, khi gặp bị cáo Kiên vào tháng 7/2021 ở phòng làm việc. Bị cáo Kiên yêu cầu phải chi 15 triệu đồng/khách lẻ. Đầu tháng 1/2021, khi được Cục Lãnh sự thông báo có chuyến bay đầu tiên, bị cáo này nhận được điện thoại của Phạm Trung Kiên gọi lên phòng làm việc, tại đây bị cáo Kiên yêu cầu phải chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay. Thắng đã đưa hơn 1,3 tỷ cho Kiên.
>>> Mời độc giả xem video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)