Việt kiều chưa dễ mua nhà ở thời điểm này

Google News

Không phải các nội dung điều luật đều có thể dễ dàng triển khai bởi còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thực tiễn thi hành bởi các cơ quan nhà nước...

Luật Đất đai 2024 (hiệu lực từ 1/1/2025) có nhiều điểm mới, trong đó điểm mới đặc biệt lưu ý là mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Theo đó, khoản 3 và khoản 6 điều 4 luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận..., bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Như vậy, liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài hay gọi chung là Việt kiều sẽ có 2 nhóm đối tượng được luật Đất đai 2024 công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam", và "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài".
Viet kieu chua de mua nha o thoi diem nay
Luật sư Trương Anh Tú. 
Luật sư Trương Anh Tú - TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với nhóm "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam", thì cần phải hiểu thế nào là "công dân Việt Nam". Cụ thể, khoản 1 điều 5 luật Quốc tịch nêu "người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam". Như vậy "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" tức "người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam".
Theo cách sắp xếp và quy định tại khoản 3 điều 4 luật Đất đai 2024 về người sử dụng đất thì "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" được xếp cùng với nhóm "cá nhân trong nước" và gọi chung là "cá nhân". Nhóm "cá nhân" này được hưởng các quyền sử dụng đất theo luật định bao gồm quyền nhận chuyển đổi đất đai, quyền chuyển nhượng, nhận tặng cho, quyền thừa kế… Như vậy có thể hiểu "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam" đều được hưởng mọi quyền sử dụng đất như cá nhân trong nước mà không bị hạn chế bởi điều kiện như trước đây.
"Đây là điểm mới tạo điều kiện tối đa cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, cơ hội cho họ sau này có thể trở về Việt Nam sinh sống. Theo đó, để được hưởng các quyền này thì họ phải chứng minh được mình là "công dân Việt Nam" tức họ có quốc tịch Việt Nam thông qua các tài liệu như giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, hoặc hộ chiếu thể hiện quốc tịch Việt Nam…", luật sư Tú nhấn mạnh.
Thứ 2, đối với nhóm "người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài", luật sư Tú phân tích theo khoản 4 điều 3 luật Quốc tịch, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là "người gốc Việt") là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Luật Đất đai 2024 người gốc Việt được quyền sử dụng đất trong một số trường hợp.
Cụ thể, tại điểm h khoản 1 điều 28 quy định "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự". Đồng thời, theo khoản c điều 28 luật Đất đai 2024, cho phép người gốc Việt nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Luật sư Trương Anh Tú nhận định, một trong những điều kiện bắt buộc để người gốc Việt Nam được quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở theo các quy định nêu trên là họ phải được phép "nhập cảnh vào Việt Nam"; thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam. Trong khi, điều 33 Nghị định 16/2020/NĐ-CP yêu cầu người thực hiện thủ tục xin cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam phải cung cấp tài liệu để tự chứng minh bản thân thuộc diện người gốc Việt Nam. Điều này dẫn đến trường hợp người thực hiện thủ tục không có đủ tài liệu để chứng minh dẫn đến việc tốn chi phí đi lại và mất nhiều thời gian cũng khó khăn trong việc thu thập các giấy tờ cũ đã bị mất và thất lạc nhiều năm.
Theo luật sư Tú, trong trường hợp này, pháp luật nên có cơ chế nào đó để tạo điều kiện thuận lợi hơn hoặc hỗ trợ người dân trong việc thu thập lại giấy giờ bị mất, thất lạc.
"Luật Đất đai 2024 đã mở rộng rất nhiều về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho kiều bào. Tuy nhiên, các quy định đó để triển khai trên thực tế là cả một vấn đề lớn. Không phải các nội dung điều luật đều có thể dễ dàng triển khai bởi còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thực tiễn thi hành bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức có thẩm quyền…", luật sư Trương Anh Tú khẳng định và cho rằng cần có nghị định riêng, hướng dẫn, quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, điều kiện để người gốc Việt thuận lợi hơn trong việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về Luật Đất đai (sửa đổi):
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)