Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn, khơi thông nhiều nguồn lực cho nền kinh tế - xã hội. Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân xung quanh vấn đề này.
|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi với PV về Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Mai Loan. |
- Là người được giao nhiệm vụ tham gia trực tiếp vào quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật, cảm xúc của ông thế nào, thưa Thứ trưởng Lê Minh Ngân?
Được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phân công làm Phó trưởng Ban Soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi thấy đây là một vinh dự, cơ hội, và cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thời gian qua, tôi cùng với các thành viên trong Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập của Bộ TN&MT đã có sự đoàn kết, thống nhất cao, và làm việc trên tinh thần hết sức dân chủ, khoa học, khách quan, lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ.
Khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, không chỉ tôi mà tất cả các thành viên trong Tổ Biên tập của Bộ TN&MT đều chung cảm xúc vỡ òa, lâng lâng xúc động khi đã hoàn thành một nhiệm vụ tôi cho là rất quan trọng trong cuộc đời làm công chức.
|
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Hoàng. |
- Được biết là từ Kỳ họp thứ 6 đến trước Kỳ họp Bất thường lần thứ 5, để trình ra dự thảo luật hoàn chỉnh nhất để Quốc hội bấm nút, là cả một sự nỗ lực, quyết tâm cao của Ban Soạn thảo. Ông có thể chia sẻ về quãng thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật?
Trong suốt thời gian 2 năm qua có rất nhiều bộ phận, nhiều người đã phải thức làm việc trong đêm, thậm chí không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Đặc biệt là những ngày cuối cùng, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã làm việc có khi tới 1-2 giờ sáng để hoàn thành tiến độ, kịp đưa Dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội.
- Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những quan điểm khác nhau về một số nội dung. Trong những trường hợp đó, nguyên tắc xử lý như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Để có được sự đồng thuận cao, phải kiên định hai yếu tố: Thứ nhất, phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với hiến pháp; thứ 2 là bám sát chủ trương của Đảng, mà trọng tâm là Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phải bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết được thực tiễn.
Căn cứ vào thực tiễn, đánh giá tác động để lựa chọn được phương án tối ưu nhất. Chẳng hạn với quy tắc quy hoạch sử dụng đất, có khi đưa ra 3 phương án, có khi 2 phương án, có khi lại đề xuất 1 phương án bổ sung. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao nhất, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cuối cùng đã thống nhất 1 phương án. Có thể nói, phương án này vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính lâu dài.
Và kết quả, đến phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa Kỳ họp bất thường, các ý kiến đã có sự thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với 12 triệu lượt đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có thể nói là con số kỷ lục về sự tham gia của người dân đối với một dự thảo luật. Ở góc độ ở Ban Soạn thảo, ông có chia sẻ gì với những người dân đã có đóng góp cho Dự thảo?
Chắc chắn sẽ còn có những những điểm trong Luật Đất đai (sửa đổi) mà một số người, một số tổ chức vẫn chưa thực sự hài lòng. Tôi mong mọi người hết sức chia sẻ với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng như Quốc hội, để chúng ta có sự đồng thuận, sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.
Để sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, việc cấp bách trước mắt là gì, thưa ông?
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã kết thúc việc làm luật, nhưng lại mở ra một sự bắt đầu mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật, trong đó giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành. Đó là bắt tay vào tổ chức ngay việc hoàn thiện các Nghị định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).
Với các quy định mang tính quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, chúng tôi sẽ khẩn trương, huy động tất cả các lực lượng tiếp tục phát huy tinh thần của việc làm Luật Đất đai để tham mưu cho Chính phủ ban hành kịp thời các nghị định hướng dẫn của Luật. Để khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực sự đưa Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn ông!
Luật Đất đai sửa đổi được thông qua gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.
Luật Đất đai sửa đổi đã thể chế đúng chủ trương của Đảng, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật Đất đai. Trong đó, các nội dung mới bao gồm: Chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tài chính đất đai, giá đất; Đăng ký đất đai; Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục trong quản lý, sử dụng đất. Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ Điều 190, Điều 248 có hiệu lực từ ngày 01/04/2024.
Mời quý độc giả xem video: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi về Luật Đất đai (sửa đổi). Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.